Hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương bị “cuốn” đi sau những “cơn bão” mang tên Việt Á, chuyến bay giải cứu hay AIC… Nhiều người gọi đó là những phép thử đau đớn trong công tác cán bộ, bởi một khi không giữ mình, không kiểm soát được quyền lực, cán bộ sẽ dễ dàng rơi vòng xoáy tiền – quyền. Kiểm soát quyền lực vì thế trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh Đảng đang dốc toàn lực để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Hàng loạt đại án liên tiếp xảy ra trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành như một “liều thuốc đắng” trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Trao đổi với báo Dân trí, PGS.TS Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nhìn nhận những án xảy ra thời gian qua minh chứng một điều là việc kiểm soát quyền lực chưa tốt, chưa hiệu quả.
Theo ông, có một thực tế là nhiều quan chức chưa ý thức được rằng quyền lực của tổ chức, cá nhân mình là do nhân dân giao, ủy quyền trong một thời hạn nhất định, chứ không phải quyền lực của riêng cá nhân, tổ chức nào. Ví dụ nhân dân giao quyền cho Thủ tướng, cho bộ trưởng chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm. Nếu trong 5 năm đó họ hoàn thành tốt nhiệm vụ thì có thể kéo dài sang nhiệm kỳ thứ 2.
“Phải ý thức rất rõ điều đó. Thực tế vẫn có một số quan chức sau một đêm được bổ nhiệm đã lầm tưởng quyền lực của riêng mình nên lợi dụng quyền lực đó để mưu cầu lợi ích cá nhân, gia đình, lợi ích nhóm. Nhiều người thậm chí lạm dụng quyền lực đến mức vi phạm kỷ luật Đảng , vi phạm pháp luật của Nhà nước, và bằng chứng là hàng loạt vụ án xảy ra thời gian qua”, theo lời ông Phúc.
Nghị quyết 27 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” (11/2022) yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước theo nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào?
– Tôi rất tán thành chủ trương trong Nghị quyết 27 về việc yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực theo nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.
Chúng tôi cũng đã đề nghị rất nhiều lần rằng kiểm soát quyền lực không chỉ dừng lại ở chủ trương của Đảng mà phải kiểm soát bằng pháp luật của Nhà nước, tức là phải thể chế hóa chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực thành chính sách pháp luật. Trên cơ sở đó mới có thể ràng buộc trách nhiệm với những người được giao quyền, ủy quyền thực hiện quyền lực của nhân dân.
Chỉ có kiểm soát quyền lực bằng pháp luật, việc này mới được thực hiện một cách chặt chẽ, thực chất, và chúng ta mới giám sát, ràng buộc, yêu cầu được những người có chức có quyền phải thực hiện theo các quy định cho phép làm hoặc không cho phép làm. Khi cán bộ đó vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật.
Thực ra, nếu nhìn một cách khái quát, chúng ta đã có khá đầy đủ quy định của Đảng, cơ chế pháp luật của Nhà nước bởi ở một số luật, bộ luật cũng đã có những điều khoản liên quan nhằm kiểm soát quyền lực của cán bộ, lãnh đạo, quản lý. Nhưng dường như những chính sách đó chưa trực diện, chưa đủ mạnh để khiến những người có chức có quyền phải sợ, nên nhiều người dù nắm quy định vẫn cố tình vi phạm.
Đơn cử như cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh. Là người đứng đầu Bộ khi đó, lãnh đạo này phải thừa hiểu rằng Luật Khoa học và Công nghệ quy định rõ việc phải đấu thầu các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Trong trường hợp cấp bách như đại dịch, liên quan vụ Việt Á, có thể giao nhiệm vụ nhưng khi đó đồng thời phải thành lập hội đồng thẩm định việc nghiên cứu đó, nhất là việc nghiên cứu kit test liên quan sinh mạng con người thì cần có hội đồng y khoa cấp quốc gia đánh giá về tính an toàn. Nhưng tất cả những quy định ấy đã bị lãnh đạo bỏ qua, dẫn đến hậu quả là hàng loạt sai phạm gây thất thoát tài sản Nhà nước, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Hay như cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thì trách nhiệm cao nhất của ông là phải chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trong trường hợp đặc biệt như đại dịch Covid-19. Vậy nhưng chính vị tư lệnh ngành đó chấp nhận việc kit test chưa đảm bảo chất lượng đã sử dụng đại trà trên cả nước cho người dân.
Điều đó cho thấy nhiều quan chức biết việc làm của mình vi phạm nhưng vẫn cố tình làm, lờ đi các quy định của pháp luật.
Vì thế, việc tiếp tục cụ thể các chủ trương của Đảng thành chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến kiểm soát quyền lực vẫn rất cần thiết. Chúng ta có thể nghiên cứu tính tới việc xây dựng một văn bản pháp lý để đưa hết các quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực vào, nhằm kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất nhiều lần nhắc đến việc “phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Vậy làm sao để tạo ra một chiếc lồng cơ chế không có lỗ hổng, tránh những trường hợp sai phạm có hệ thống dẫn đến mất hàng loạt cán bộ như thời gian qua, thưa ông?
– Lồng cơ chế để nhốt quyền lực có 2 khía cạnh rất quan trọng. Thứ nhất, chiếc lồng đó cần được thể chế hóa từ chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực bằng các quy định của pháp luật.
Thứ hai, chiếc lồng cơ chế rộng rãi nhất, quảng đại nhất và chặt chẽ nhất, chính là nhân dân. Nhân dân biết hết mọi thứ của cán bộ, biết cán bộ tốt hay xấu, giỏi hay yếu kém.
Khi kết hợp 2 chiếc lồng cơ chế này, tức là vừa có quy định của pháp luật, vừa có sự giám sát của nhân dân, thì chắc chắn quyền lực của những người có chức, có quyền sẽ được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Cơ chế kiểm soát quyền lực đã thể hiện rất rõ trong chủ trương của Đảng, nhưng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết Trung ương 6 cuối năm 2022, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc từng chia sẻ Ban Nội chính đã nghiên cứu 2 năm nhưng chưa thể ban hành cơ chế vì rất khó. Theo ông, những khó khăn này là gì?
– Tất nhiên, việc ban hành một cơ chế pháp luật riêng về kiểm soát quyền lực là rất khó.
Cái khó trước hết là bởi những hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, lợi ích nhóm thường được che đậy rất kín đáo, tinh vi. Vậy nên để ban hành một cơ chế bao phủ hết mọi hành vi kín đáo, tinh vi của những người lợi dụng quyền lực ấy là không hề dễ dàng. Còn nếu tiếp tục ban hành những quy định chung chung, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn không thể kiểm soát chặt quyền lực.
Cái khó thứ hai chính là đối tượng của kiểm soát quyền lực chủ yếu là những người có chức có quyền. Mà để kiểm soát người có chức có quyền thì chắc chắn không dễ, không thể kiểm soát hành động của họ ở mọi lúc, mọi nơi. Thực tế nhiều khi họ thực hiện công việc này, dự án kia nhưng không vì phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mà là vì phục vụ lợi ích riêng của họ.
Hơn nữa, việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực thì muôn màu muôn vẻ, quy định thành những điều trong luật để điều chỉnh, kiểm soát những hành vi muôn màu muôn vẻ đó không dễ chút nào. Vì thế, tôi rất chia sẻ với những cái khó mà Trưởng ban Nội chính Trung ương đề cập.
Nhưng dù khó đến mấy chúng ta cũng phải quyết tâm làm. Nếu không xây dựng cơ chế cụ thể, thể chế hóa bằng pháp luật để kiểm soát quyền lực thì sẽ còn rất nhiều đại án nữa do cán bộ lộng quyền, lạm quyền.
10 năm qua, công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam được triển khai quyết liệt. Hàng loạt cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, tướng lĩnh công an, quân đội… đều dính chàm, bị xử lý kỷ luật và vướng vòng lao lý. Điều đó cho thấy việc xử lý rất nghiêm khắc, nhưng theo ông vì sao, tham nhũng vẫn cứ diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều quan chức cấp cao bị xử lý?
– 10 năm qua, kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo, cuộc đấu tranh này đã được triển khai quyết liệt, đạt nhiều thành tựu to lớn, đáng trân trọng và được nhân dân ghi nhận.
Niềm tin của nhân dân với Đảng cũng vì thế tăng lên rất nhiều. Nhưng thực tế đến nay, tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, có rất nhiều quan chức nhúng chàm bị xử lý.
Một phần của thực trạng này do nhiều cán bộ “chưa biết sợ”, chưa thực sự cảnh tỉnh trước hàng loạt quy định nghiêm khắc, khắt khe của Đảng, Nhà nước.
Nhưng nguyên nhân chính là trong mỗi con người, chủ nghĩa cá nhân vẫn nổi lên chi phối rất mạnh, nhất là với những người có tư tưởng tham nhũng, tiêu cực.
Với những lợi ích mà quyền lực mang lại, nhiều cán bộ lãnh đạo đã không thể vượt lên chính mình, không vượt qua vượt qua được cám dỗ của đồng tiền, của vật chất. Thậm chí có người nhiều lần từ chối nhưng không thể giữ mình trọn vẹn mà đến cuối cùng vẫn chấp nhận thỏa hiệp để hưởng lợi ích tiền tài, vật chất.
Một nguyên nhân khác cần thẳng thắn nhìn nhận, là cơ chế pháp luật của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh để khiến cán bộ sợ đến mức “không dám tham nhũng”.
Tham nhũng, tiêu cực xét cho cùng đều bắt nguồn từ cán bộ, và công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định trong việc ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng. Đã có nhiều kiến nghị với những người giới thiệu, đề bạt, tiến cử nhân sự “có vấn đề” cũng cần xử lý trách nhiệm. Theo ông, chúng ta cần cơ chế xử lý thế nào để ràng buộc trách nhiệm trong những trường hợp này?
– Xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, còn công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Trong công tác then chốt ấy, mỗi cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt, giới thiệu vào các chức danh lãnh đạo quản lý đều có một cá nhân, một tổ chức giới thiệu, tiến cử.
Vì thế, để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong việc này, khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm có vi phạm đến mức bị kỷ luật thì rất cần có hình thức xử lý kỷ luật tương ứng với người giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đó. Hình thức kỷ luật phải ở mức tương đương. Ví dụ cán bộ sai phạm bị kỷ luật cảnh cáo thì cũng phải xử lý người giới thiệu, tiến cử cán bộ đó ở mức cảnh cáo. Bên cạnh đó, cũng phải xử lý cả người ra quyết định bổ nhiệm vì trước khi ký quyết định đề bạt, bổ nhiệm, anh phải có trách nhiệm xác minh, thẩm định cả quá trình công tác của cán bộ đó trong quá khứ và đánh giá triển vọng của cán bộ trong tương lai.
Hiện nay có thể thấy rất nhiều cán bộ bị kỷ luật nhưng những người giới thiệu, đề xử lại không bị xử lý trách nhiệm. Đây cũng là một lỗ hổng cần phải bịt bởi thực tế có nhiều trường hợp tiến cử không khách quan, không xem xét đến năng lực và phẩm chất mà thay vào đó, đề bạt, giới thiệu dựa trên quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm.
Có một thực tế khác về công tác cán bộ. Đó là vừa qua chúng ta đã xử lý một loạt quan chức với hầu hết sai phạm đã có từ trước. Điều đó cho thấy tuy quy trình nhân sự của chúng ta rất chặt, nhưng vẫn “lọt lưới” những người biến chất và họ vẫn tiếp tục leo cao.
Để có bộ lọc chặt chẽ hơn nhằm hạn chế việc lọt lưới những người thoái hóa, biến chất, có rất nhiều việc cần làm.
Trước hết, tổ chức, cấp ủy đảng, chi bộ, đảng bộ nơi cán bộ sinh hoạt cần quản lý chặt chẽ cán bộ trong suốt quá trình công tác.
Bên cạnh đó, phải đánh giá đúng cán bộ, đánh giá một cách công bằng, khách quan và minh bạch trong cả quãng thời gian cán bộ từng đi qua và cả triển vọng sắp tới. Thậm chí cần đặt những câu hỏi cụ thể như “Nếu đặt cán bộ đó vào vị trí ấy thì người dân được lợi gì, Nhà nước được lợi gì”.
Điều quan trọng hơn cả chúng ta cần học hỏi một số nước, đó là trước khi bổ nhiệm cán bộ phải xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, bởi hơn ai hết, nhân dân luôn là người sáng suốt và đánh giá cán bộ một cách chuẩn xác nhất.
Song song với những giải pháp đó, chúng ta phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ thu nhập của cán bộ chứ không chỉ dừng ở kiểm soát tiền lương.
Chỉ trong vài tháng qua, có 3 ủy viên Trung ương, 2 Phó Thủ tướng và cả Chủ tịch nước, chủ động xin thôi nhiệm vụ do nhận thấy có trách nhiệm khi cấp dưới sai phạm. Những trường hợp này đều được Trung ương đồng ý cho thôi. Đây là việc “chưa từng có tiền lệ” trong rất nhiều nhiệm kỳ. Theo ông, tiền lệ này mang ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Trung ương, Bộ Chính trị đã có những quy định mở đường cho cán bộ từ chức?
– Cuối năm 2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và tháng 9/2022, Bộ Chính trị có Kết luận 20 chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Trên cơ sở này, nhiều cán bộ có sai phạm hoặc tự nhận thấy trách nhiệm của mình đã viết đơn xin thôi nhiệm vụ, điển hình như nguyên Chủ tịch nước, 2 nguyên Phó Thủ tướng và 3 ủy viên Trung ương đương nhiệm.
Tôi cho rằng Quy định 41 và Kết luận 20 rất có ý nghĩa, thể hiện kỷ luật Đảng rất nghiêm minh nhưng rất nhân văn, mở đường cho cán bộ có sai phạm và bị kỷ luật có cơ hội sửa sai để phấn đấu và trưởng thành.
Ví dụ ở Kết luận 20, Bộ Chính trị quy định rất rõ, cán bộ nếu thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên, sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền xem xét bố trí theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật.
Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Việc kỷ luật nghiêm minh với hàng loạt cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao đã tạo khí thế mới trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, vực dậy niềm tin của người dân. Song cũng chính việc đó khiến nhiều cán bộ vẫn có tâm lý e ngại, sợ sai, không dám làm gì. Theo ông, làm sao để giải được bài toán vừa chống tham nhũng quyết liệt vừa khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm?
– Lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin đã nêu rõ mọi vấn đề đều có tính 2 mặt. Triết học Mác – Lênin cũng có quy luật về sự thống nhất của hai mặt đối lập. Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta cũng vậy, có mặt tích cực và có mặt vẫn còn hạn chế.
Ở khía cạnh tích cực, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch hơn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua đã làm cho niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước cao hơn.
Tất nhiên, nó cũng có mặt hạn chế là làm cho một số cán bộ e ngại, không dám làm. Nhưng xét một cách toàn diện, nếu cán bộ hoàn toàn trong sáng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì có gì đâu mà phải e ngại. Mình cứ làm đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì không có gì phải lo.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận 14 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Kết luận này nêu rõ việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm và khẳng định cán bộ dám đột phá sẽ được Đảng, Nhà nước bảo vệ nếu làm với một động cơ hoàn toàn trong sáng, vì lợi ích chung.
Nội dung: Hoài Thu
Thiết kế: Thủy Tiên
07/04/2023