Hiện tượng phụ huynh học sinh thâu đêm mua hồ sơ cho con vào lớp 10 trở thành điểm nhấn của mùa tuyển sinh năm nay. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền (thành viên Ban kiểm duyệt tạp chí nghiên cứu quốc tế International Journal of Training Research, London; thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA); thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia).
Nền giáo dục nặng tính tàn dư của phong kiến
+ Thưa ông, hiện ở nước ta vấn đề phân luồng cho học sinh sau bậc học THCS đang gây tranh cãi lớn, thói quen của phụ huynh là muốn con theo học bậc THPT sau đó lên đại học, dẫn tới việc trường nghề tuyển không ra học sinh nhưng trường phổ thông lại xảy ra cảnh thức trắng đêm mua hồ sơ. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
– Việt Nam nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng khoa cử của Nho giáo Trung Hoa. Trong xã hội phong kiến cũ, cách duy nhất để thành công là thi cử đỗ đạt và ra làm quan. Tư tưởng này đã kéo dài suốt hàng ngàn năm và đến nay đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Việt. Nhiều phụ huynh vẫn tiếp tục giữ quan điểm.
Những người thành công trên con đường khoa bảng sẽ được xã hội trọng vọng và có nhiều cơ hội trên con đường quan lộ. Vì vậy, rất nhiều phụ huynh áp đặt và tạo áp lực bắt con mình phải vào đại học mà không quan tâm đến đam mê và năng lực của con mình như thế nào. Đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm và thậm chí làm hại tương lai con mình.
Thực tế cho thấy, trong xã hội hiện đại, sự phát triển của khoa học công nghệ và sự hội nhập sâu rộng của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu đã làm thay đổi hoàn toàn nhu cầu của thị trường lao động. Ngày càng có nhiều công việc chỉ cần chuyên môn và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp hơn là bằng cấp cao.
Theo báo cáo Tổng chỉ số nguồn nhân lực năm 2022 của Tập đoàn Manpowergroup Việt Nam, nước ta hiện có nguồn lao động dồi dào với khoảng 50,74 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, số người lao động có trình độ tay nghề chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%. Đáng chú ý, người lao động cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn để cạnh tranh với thị trường khác trong khu vực. Thậm chí nhiều ngành nghề không tuyển được lao động có tay nghề cao. Con số này cũng phản ánh sự bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực ở tầm vĩ mô.
Cần sớm định hướng nghề nghiệp cho học sinh
+ Ông có thể cho biết, tại các nước việc định hướng nghề nghiệp và phân luồng đối với học sinh sau bậc THCS được thực hiện như thế nào?
– Việc định hướng nghề nghiệp cần thực hiện một cách có trình tự, có khoa học theo sự phát triển của các em qua từng cấp học từ thấp lên cao chứ hoàn toàn không nên mang tính áp đặt như hiện nay ở tận cuối năm lớp 9 là quá muộn và dễ gây tổn thương tâm lý của các em cũng như các phụ huynh có con em không có năng lực học văn hóa.
Ở Úc có tới 60% học sinh lựa chọn học nghềChuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, có tới 60% học sinh Úc lựa chọn con đường học nghề thay vì học lên đại học. Vì khi có một chứng chỉ nghề có thể có việc làm ngay với mức lương khá cao. Trong khi đó nếu vào đại học phải vay tiền Chính phủ và thậm chí sau khi tốt nghiệp mức lương cũng tương đương những bạn có chứng chỉ nghề nhưng có nhiều năm kinh nghiệm. Thị trường lao động Úc coi trọng năng lực chuyên môn và kinh nghiệm hơn là bằng cấp. Rất nhiều vị trí việc làm ở các cơ quan Chính phủ chỉ cần diploma thay vì bằng đại học hay tiến sĩ. |
Thực tế, ở các quốc gia phát triển như Úc định hướng nghề nghiệp đã được chuẩn bị ngay từ những năm tiểu học và bắt đầu của những năm trung học cơ sở tức lớp 6 các em đã được bộ phận tư vấn hướng nghiệp có những trắc nghiệm về nghề nghiệp và sở thích cũng như năng lực của mỗi em.
Trong suốt những năm THCS bộ phận hướng nghiệp của trường luôn theo dõi sát sao những thay đổi về sở thích nghề nghiệp của các em. Trong trường có rất nhiều khóa học nghề ngắn hạn khác nhau như nấu ăn, trang điểm, thợ xây, làm tóc… các em có thể tùy chọn các nghề mà mình yêu thích. Các học sinh ở Úc khi hoàn thành lớp 10 có thể chủ động chọn vào con đường học nghề ở các trường TAFE hoặc College.
Sau khi học xong các trường này là có thể tham gia vào thị trường lao động ngay hoặc có thể tiếp tục theo con đường đại học.
Xây dựng lại mô hình giáo dục mới
+ Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thực hiện tốt hơn việc phân luồng cho học sinh, tránh việc đổ xô đi học THPT mà thiếu đi những lựa chọn khác phù hợp hơn?
– Theo cá nhân tôi, hệ thống giáo dục phổ thông chúng ta đang có vấn đề về cấu trúc. Hay nói cách khác cần phải tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục phổ thông. Mô hình hiện nay là sự kế thừa của mô hình thời Pháp thuộc và Xô Viết cũ. Đây là mô hình giáo dục dựa trên Nhà nước (State – based education model ) hay còn gọi là mô hình giáo dục quan liêu khi nó chỉ hướng tới mục tiêu duy nhất là đào tạo đội ngũ tinh hoa chứ không phải là cung cấp nguồn nhân lực đa dạng cho nền kinh tế thị trường đầy năng động như hiện nay.
Mô hình này sẽ thiếu linh hoạt và chậm thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ. Nhiều kiến thức sẽ không kịp cập nhật và lỗi thời so với sự phát triển của xã hội. Mô hình này được dùng phổ biến ở các quốc gia Đông Âu như Nga, Bulgaria, và châu Á có Việt Nam, Trung Quốc.
Trong khi đó, hiện mô hình giáo dục dựa trên thị trường (Market – based education model) chịu sự chi phối và điều tiết của nhu cầu thị trường lao động được nhiều nước áp dụng. Nhà nước ít can thiệp trực tiếp vào sự hoạt động của các nhà trường. Các trường học được phát huy vai trò tự chủ. Chương trình, nội dung được chủ động thiết kế dựa trên một khung chung. Các kiến thức được cập nhật theo sự phát triển của xã hội. Giáo viên được trao quyền và chịu trách nhiệm về thiết kế và soạn nội dung chương trình dạy của mình. Mô hình này phổ biến ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Úc…
Ngoài ra còn mô hình giáo dục kép (Dual education model) là sự kết hợp giữa mô hình theo thị trường và mô hình nhà nước. Trong mô hình này có sự kết hợp của các tổ chức nghề nghiệp liên quan (stakeholders) và các hiệp hội xã hội đóng vai trò trung gian trong việc tham gia quản lý và thiết kế hệ thống giáo dục cùng với Bộ Giáo dục. Mô hình này có thể thấy ở các quốc gia như Đức, Thuỵ Điển, Hà Lan…
Tôi cho rằng cần đưa giáo dục nghề nghiệp về giáo dục phổ thông. Thống nhất về mặt quản lý cũng như sự liên thông của hệ thống giáo dục. Chuyển các trường trung cấp nghề vào các trường cao đẳng hình thành các trường polytechnic đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực đa dạng hiện nay. Cần làm tốt hướng nghiệp từ bậc THCS ngay từ lớp 6. Thành lập các ban hướng nghiệp trong các cấp học ngay từ bậc tiểu học để sớm định hướng nghề nghiệp cho các em. Chỉ có như vậy mới thay đổi được tư duy theo đuổi con đường khoa cử của xã hội hiện nay.
Trinh Phúc (Thực hiện)