1. Dư luận nhân dân đánh giá rất cao quyết tâm chính trị và kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước được khởi xướng bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Những vụ đại án được đưa ra xét xử những năm qua và gần đây càng củng cố thêm quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ của Đảng ta.
Điều đáng bàn ở đây là mỗi khi một vụ án được đưa ra xét xử, chúng ta lại có dịp suy ngẫm và đúc rút những bài học trong công tác cán bộ và cả trong cuộc sống nhân sinh. Đứng trước hội đồng xét xử, những người vi phạm mới thực sự thức tỉnh, mới thực sự thấu hiểu được những giá trị lớn lao của danh dự, của đạo đức và nhân phẩm con người. Sau khi tuyên án, có thể sẽ phải chịu cảnh những năm tháng trong nhà tù, mất quyền công dân, con người ta mới thực sự thấm thía một sự thật: Bao nhiêu tiền bạc, nhà nọ, xe kia… cũng đều trở nên vô nghĩa. Và cái mất lớn nhất chính là danh dự, như bát nước đã đổ đi không bao giờ lấy lại được nữa.
Đó cũng chính là lúc những người từng là cán bộ, đảng viên và tất cả chúng ta mới thực sự thấm thía lời nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.
Hiểu cặn kẽ hơn, danh dự là một thành tố thuộc phạm trù đạo đức; có ý nghĩa nền tảng định hướng con người lựa chọn làm điều tốt, điều thiện; ngăn ngừa làm điều xấu, điều ác. Trong văn hóa lịch sử nhân loại, có không ít cộng đồng và những cá nhân đã trở thành minh chứng sống động, khẳng định giá trị của danh dự, khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ danh dự, làm tất cả không tiếc điều gì chỉ để giữ gìn danh dự bản thân, danh dự gia đình, dòng họ, danh dự quốc gia… Danh dự là biểu hiện cao nhất của liêm sỉ. Cán bộ dù giữ chức vụ to hay nhỏ, dù ở cấp trung ương hay cấp cơ sở, trước hết phải là người có danh dự.
2. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cấp bách là phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng Đảng về đạo đức; trong đó, lấy con người làm trung tâm, coi xây dựng văn hóa trọng danh dự làm nòng cốt.
Để làm được điều đó, các cấp ủy tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu các cấp phải thực sự quan tâm, tâm huyết, gương mẫu, đi đầu, trở thành “nhạc trưởng” huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Xây dựng Đảng về đạo đức phải gắn với xây dựng một xã hội văn hóa, văn minh, nơi đa số con người biết trân quý những giá trị cốt lõi chân – thiện – mỹ, tự giác điều chỉnh hành vi, tự soi, tự sửa hằng ngày để tốt hơn lên mỗi ngày. Ở đó, con người có văn hóa xấu hổ, vì nhờ biết xấu hổ mà có danh dự, từ có danh dự mà trong tiềm thức đã tự giác ý thức không dám nói và làm những điều sai trái.
Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Lời dạy của Bác vừa nhắc nhở chúng ta rằng rèn luyện để trở thành người có danh dự, trọng danh dự không dễ, thậm chí rất khó khăn, gian khổ; nhưng thành quả thì có giá trị và ý nghĩa to lớn, ít nhất là không phải hối tiếc, ân hận.
Để có đủ năng lực, phẩm chất đương đầu và vượt lên được những cám dỗ của đồng tiền, xét cho cùng con người phải có cái gốc đạo đức vững chãi và một tâm thế không màng những thứ không thuộc về mình. Khả năng đó chỉ có được khi ngay từ đầu người đảng viên, người cán bộ làm việc phải nhằm giữ gìn danh dự cho bản thân và tổ chức; phải thực hiện đúng tinh thần “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là đặt việc công lên trên hết, đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc, lợi ích của nhân dân, lên trên hết, trước hết. Đây là một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và cũng chính là “tấm áo giáp” rắn chắc bảo vệ thanh danh cán bộ, đảng viên trước những “viên đạn bọc đường”.
Dân gian có câu: “Gieo nhân nào thì gặt quả nấy”. Cách ngôn minh triết này đã được chiêm nghiệm, kiểm chứng ngàn đời, rất đáng để vận dụng. Lại có câu: Kẻ trí thì sợ “nhân”, người ngu thì sợ “quả” để dạy rằng, đừng đến khi nhận “quả” rồi mới biết sợ, mà phải biết sợ từ lúc gieo “nhân”, trên cơ sở đó mà lựa chọn đúng việc cần làm: Làm việc tốt, thực sự chí công, vô tư, quang minh, chính đại.
Xây dựng Đảng về đạo đức để có đội ngũ cán bộ thực sự trọng danh dự cần xuất phát từ mỗi cá nhân, nhưng phải đặt trong nỗ lực chung của cộng đồng, xã hội; phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách.