Buồn thì ủ rũ một phên giậu buồn…”.
Là người trong làng chài thường ngâm nga câu ca dao ấy sau khi trầm trồ về cây mai đôi vàng rực mỗi độ tết về. Lâu dần người ta chỉ nói câu đầu, sợ nói câu sau làm tết nhứt mất vui hay vì ý tứ gì đó. Cây mai đôi đã thực sự gây được ấn tượng nơi làng biển này với cách ra hoa tưng bừng của nó. Bông trên nhánh xương dày đặc cũng là bình thường, đằng này năm nào cũng hàng trăm búp bông cứ đùn thêm ra từ thân, từ gốc rêu già cỗi, từ những cục nu xù xì nổi lên đây đó khắp các nhành. Giống mai ra bông ra hoa thật kỳ diệu, chỉ vài trăm búp nâu khô khô nhưng sau một đêm, toàn bộ búp rớt vỏ trấu phân chi thành hàng ngàn bông, chi chít, chen chúc, xanh mướt, mỗi chiếc cuống bé xíu lại mang trên mình đến năm sáu búp bông to. Để rồi khi nàng xuân đặt những bước chân ngà ngọc đầu tiên vào sân nhà thì cây mai nghinh tiếp trọng thị bằng cách khoác nhanh lên người chiếc áo vàng rực, vàng đến mức bất cứ ai nhìn cũng thấy rạo rực trong lòng.
Cây mai đôi này luôn nở sớm nhất trong năm làm như loài tảo mai ngày xưa đã hóa thân vào đó, năm nào cũng sau giao thừa là đã khoác áo vàng, ba Thuận thường nói vậy. Và lần nào ông cũng dừng lại ngâm nga một đoạn thơ của vua Trần Nhân Tông:
“Mai nhụy lạp tiền phá,
Mai hoa niên hậu đa.
Tuyệt tri xuân ý hảo,
Tối nại khách sầu hà…”.
Rồi ông giảng cho Thuận nghe:
Cây mai hé nhụy trước tháng chạp
Ra giêng thì nở nhiều hoa
Ý xuân đã rõ ràng là tốt
Nhưng khách vẫn buồn thì làm sao?…
Khi còn nhỏ Thuận chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của đoạn thơ nhưng đã thuộc nằm lòng tự lúc nào. Ba Thuận là ông giáo dạy học và lập gia đình ở lại luôn làng biển này, ông với ba Hòa, người hàng xóm làm thùng lều nước mắm, rất thân với nhau. Hai ông thường bày tỏ sự tâm đắc của mình về cây mai đôi mọc giữa phên giậu hai nhà, mỗi khi hai người dọn bàn ra đây nhâm nhi, rượu lưng lưng thôi nhưng chuyện luôn tràn đến thâu đêm.
Một lần vào dịp tết, cả hai nhà đều túm tụm bên bàn ăn dưới gốc mai, ba Thuận ngà ngà say đã vốc một nắm cánh mai trên tay và kể tích xưa “Mai hoa trang”:
…Công chúa Thọ Dương, con gái cưng của Tống Vũ Đế, vào ngày lễ hành nhân, nàng nằm ngủ ở dưới mái Hàm Chương Điện. Một cơn gió thoảng qua, hoa mai rụng lả tả bay đầy trong không gian như một bầy bướm lớn vừa sà từ trời xuống. Có những cánh mai mỏng đậu lại trên mặt nàng nhưng Thọ Dương không tài nào phủi sạch. Bọn cung nữ quây quần giúp nàng nhưng mãi cũng không được, chúng bèn cùng nhau bắt chước cho giống công chúa bằng cách vẽ trên trán họ những cánh hoa mai thiệt đẹp. Từ đó về sau, kiểu trang điểm gọi là “Mai hoa trang” này đã lan truyền khắp nơi từ thôn dã đến phố phường đô hội…
Hòa nghe xong đã dán những cánh mai lên trán của mình rồi nghiêng người hỏi Thuận: “Anh thấy công chúa này có đẹp hông?” Thuận cười cười nhưng không trả lời, phần vì mắc cỡ bởi đang có đủ mặt cả hai nhà, phần vì tự dưng anh linh tính về một điều gì đó không vui, sợ rằng câu chuyện “Mai hoa trang” sẽ vận vào cuộc đời Hòa…
Cây mai đôi này chẳng biết được ai trồng từ lúc nào, má Thuận nói từ khi má về làm dâu nhà này đã thấy nó ở đó, giữa hàng rào của hai nhà. Ba tàn chính của cây phân bố đều đặn hài hòa, tàn thấp to nhất ngã trọn bên nhà Thuận, tàn giữa nhỉnh hơn, xòe hẳn sang sân nhà Hòa, cổ ngọn và đỉnh cây hơi lượn nhưng nhánh nhóc cũng tỏa đều hai bên. Thuận và Hòa từ khi bé xíu đã cùng lẫm chẫm tập đi dưới hai tán mai râm mát trước sân này. Có một thời hoa niên Hòa được Thuận gọi là công chúa và đã dùng một cành mai dày đặc bông vàng vắt vào mái tóc. Lớn lên họ cùng ngồi học bài dưới gốc cây mai đôi này và cả những giận hờn của hai đứa trẻ cũng lấy ranh giới cây mai làm bên này bên kia. Hòa càng lớn càng duyên dáng với làn da trắng nuột nà hiếm thấy ở miệt biển này và chiếc răng khểnh thừa ra rất duyên mỗi khi Hòa cười. Cả những khi nhắm mắt lại Thuận vẫn thấy chiếc răng khểnh ấy.
Cũng chẳng biết từ lúc nào mà việc lặt lá mai vào ngày rằm tháng chạp hai nhà đều giao cho Thuận và Hòa. Bận gì thì bận nhưng cả hai đều nhớ ngày lặt lá mai, thậm chí là háo hức trông mau đến ngày ấy. Họ vừa lẩy từng lá mai vừa chuyện trò rôm rả, cho đến khi hai bàn tay họ đụng nhau trên cành giành lấy chiếc lá cuối cùng rồi bung cười như nắc nẻ cuộc lặt lá mai mới kết thúc. Mùng một tết năm nào cũng vậy, cây mai đôi luôn là chỗ hai nhà đứng vào chụp hình gia đình khi ông thợ chụp hình dạo đến chào mời. Có năm vui quá hai nhà còn chụp chung, miệng môi ai cũng cười tươi như hoa, ba Hòa còn nói gần nói xa: Rồi đây hai nhà cũng coi như là một mà…
Đến một ngày, cây mai đôi vẫn sáng rực với chiếc áo khoác chi chít những bông mai vàng kết lại nhưng không có ai chụp hình, không có những nụ cười giòn giã, không có những lời chúc tết qua lại như các năm. Cánh mai lặng lẽ rụng vàng một góc sân, chỉ thỉnh thoảng những cơn gió đến trêu đùa thốc bay lên một chốc rồi buồn bã rơi xuống.
Đêm trước lễ tân hôn, cô dâu Hòa hẹn gặp Thuận. Hòa ràn rụa nước mắt, nói chỉ thương mình Thuận thôi nhưng để cứu ba má khỏi phá sản mà đành chấp nhận cuộc hôn nhân này. Cũng trong đêm đó, Hòa đã ôm chầm lấy người mình yêu và chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra. Người đàn bà sớm mai đã trở thành nàng dâu ấy đã khóc thật nhiều, đã dụi đầu mãi vào ngực người tình mê đắm, tiếc nuối cho tận khi gà gáy canh ba.
Thời gian tết của Thuận sau này thường trôi qua nhạt nhẽo! Thuận cứ ngồi thừ trong nhà nhìn cây mai vàng rực qua khung cửa sổ, một bên ngực trái trĩu nặng, thỉnh thoảng lại chép miệng: “Nở chi mà sớm quá hổng biết!”. Hoa mai là loài nở sớm nhất trong năm so với các loài hoa, Thuận biết điều đó chứ, không vậy thì mai đâu được trọng vọng, đâu được gọi là mai. Có lẽ lời trách cứ ấy nhằm vào một đối tượng khác. Mấy năm trở lại đây, đàn ông Tàu sang đây nhiều lắm, họ bỏ ra nhiều tiền để mua đất, cưới vợ. Hòa cũng trong số đó. Từ ngày Hòa theo chồng đi xa, Thuận vẫn lẳng lặng lặt lá cả cây mai nhưng chỉ như một công việc phải làm, không có hứng thú gì nữa.
* * *
Thắm thoát mà đã hơn mười lăm năm xa xứ, nghề làm báo tự do và cơm áo gạo tiền đã đẩy bước chân của Thuận đi khắp Nam kỳ lục tỉnh, khắp Sài Gòn phồn hoa. Không nhớ rõ bao nhiêu cái tết tha hương đã trôi qua, có lúc nhớ quá, Thuận muốn về ăn tết quê nhà một lần nhưng rồi lần lữa mãi. Phần vì làng chài giờ đã biến mất rồi, sau sự kiện nhật thực người kéo về xem đông như hội thì làng chài dần biến mất, người ta nói làng chài ấy như nàng công chúa đang ngủ chợt thức dậy, là người ta nói đến một thủ đô resort rộn ràng sang trọng bừng sáng đã hình thành ngay trên cái nền của làng chài ngày nào. Những ngư dân làng biển nghèo khổ ấy đã lần lượt bán đất bán nhà cho những người đầu tư làm du lịch.
Dịch Covid-19 hoành hành, một cuộc tháo chạy ồ ạt chưa từng có đã diễn ra, những người dân quê gốc ở miền Trung, miền Đông, miền Tây đều đùm túm, nháo nhào chạy khỏi các thành phố lớn.
Về quê! Chưa bao giờ hai tiếng về quê lại thôi thúc và dồn ép như thế, người ta không có quyền lựa chọn, ở ranh giới sống chết, cửa tử đã mở, chỉ còn một cách duy nhất là tháo chạy. Lá rụng về cội đã đành, người già về quê đã đành, người trẻ cũng về, phải về. Hàng ngàn chiếc xe hon- da đùm túm vợ con, chó mèo, vật dụng ùn ùn trên các ngả đường ra khỏi thành phố từ khuya sớm đến tối mịt. Trong “cơn lũ về quê” chạy trốn dịch bệnh kinh hoàng ấy có Thuận.
Khi chiếc xe vừa lao đổ xuống con đường dốc, tầm mắt chợt rộng thoáng mênh mông, biển xanh ngát một màu đã hiện ra, những con sóng bạc đầu gợn trắng xa xa rõ dần, rõ dần. Thuận rưng rưng trong lòng. Về rồi! Về thiệt rồi! Quê nhà đây rồi! Và cũng chính ngay lúc này, Thuận bẽ bàng nhận ra mình chẳng còn ai để về. Ba má sau khi bán ngôi nhà gần biển, vào ở sâu trong một thẻo rẫy sau động cát. Khu resort nới rộng lấn vào động cát, ba má lại chuyển nhà lần nữa về xóm ruộng. Trong vòng ba năm sau đó với những bước di chuyển nhà cửa cập rập, vội vã, họ đã lần lượt gặp nhau dưới suối vàng.
Chẳng biết có một lực hút nào lại đưa đẩy Thuận quẹo xe vào một resort có cái biển hiệu đề hai thứ tiếng, Việt và Tàu. Thuận mang máng nhớ nhà mình ngày xưa ở đâu đây, mang máng nhớ thôi chứ tất cả bây giờ đã khác lắm. Đường nhựa phẳng phiu rộng lớn đã thay cho con đường sỏi đỏ với hai hàng dừa tỏa bóng râm mát một thời. Những ngôi nhà nửa tôn nửa lá chằng đụp đã không còn dấu vết, những bãi cát mát rượi dưới tán dừa dân làng chài ngồi vá lưới, những chiếc thúng chai xếp hàng thành một vệt dài đã không còn nữa, bãi kéo lưới rùng giờ thành bãi tắm đầy người Tây người Tàu nằm ngồi phơi nắng lố nhố. Thuận làm thủ tục nhận phòng ở quầy lễ tân xong, tra ổ khóa mở cửa phòng, đã ngả người ra chiếc giường trải drap trắng muốt mà vẫn chưa hiểu tại sao mình vào đây, trước đó anh hoàn toàn không có một ý nghĩ nào về việc chọn thuê phòng ở đâu. Một sự đưa đẩy ngẫu nhiên chăng?! Thuận đã bị cuốn theo đoàn người tháo chạy ra khỏi thành phố như bị một lực đẩy khổng lồ nào đó và việc anh ngả lưng trong căn phòng này cũng lại bị một lực hút nào đó mà anh chưa giải thích được. Chặng đường gần hai trăm cây số đã khiến Thuận mệt lử lả và thiếp vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Trong giấc chiêm bao của cơn ngủ vùi ấy còn có một giấc chiêm bao khác. Thuận thấy mình vừa lặt lá mai vừa trò chuyện vui vầy với một người con gái có nụ cười rất duyên vì thừa một chiếc răng khểnh. Khi chỉ còn chiếc lá mai cuối cùng trên cành, khi hai bàn tay chạm nhau, Thuận đã kéo mạnh, cô gái ngả người ập vào Thuận. Một làn hương thơm ngát làm cho chàng trai xứ biển ấy choáng ngợp mê man. Thuận ngây ngất ôm xiết người con gái ấy vào lòng. Thịt da hai con người khác giới chạm nhau, trong nhau đã nóng rực lên. Thuận cuồng nhiệt hôn lấy hôn để đôi môi ngọt mềm. Nàng áp sát, hòa quyện, chìm sâu và tan biến trong cơ thể vạm vỡ của Thuận. Thuận ngất ngây hạnh phúc, người mê đắm lâng lâng trôi êm trên những con sóng lượn nhẹ nhàng. Trôi mãi. Trôi mãi. Bồng bềnh, bồng bềnh mãi… Và đột nhiên khi Thuận nhìn thấy một cánh mai dán chặt trên trán nàng những con sóng nước cũng cùng trong tích tắc ấy mà biến mất. Thuận ôm người con gái ấy rơi xuống, rơi mãi, rơi mãi, không có gì để bấu víu, không có gì giữ lại được. Thuận ú ớ, quơ chân cuống cuồng cho tới khi đáp xuống bãi cát trắng. Mở mắt. Dụi mắt đến ba lần. Vẫn không có ai. Không có ai cả. Bên mình chỉ có cây mai đôi ngày xưa hoa đơm vàng rực. Lẽ nào người con gái thừa một chiếc răng ấy là tinh hồn của gốc mai đôi này?! Thuận đưa tay vuốt nhè nhẹ vào thân cây mai thì đột nhiên gió rùng rùng nổi lên, hàng ngàn hàng vạn cánh mai vàng lả tả rụng bay ngập ngụa không gian xung quanh Thuận. Những cánh mai mong manh vàng tươi khi chạm vào người Thuận đã nhanh chóng nâu héo bám chặt vào da thịt như những vết sẹo không rời ra được. Thuận loay hoay gỡ từng cánh mai trên mặt trên cổ nhưng không tài nào gỡ ra được. Nỗi sợ hãi càng lúc càng khiến Thuận trở nên hoảng loạn. Những cơn gió mai vàng vẫn tiếp tục quấn riết lấy Thuận, chồng lên che lấp hết mắt mũi miệng khiến Thuận quờ quạng không còn thấy gì nữa, khiến Thuận ngộp thở, ngực phập phồng, miệng há ra khó nhọc hớp từng chút không khí… Thuận hét lên một tiếng kinh hoàng rồi thức giấc. Trần nhà trắng tinh, tấm drap trắng tinh trên chiếc giường đã khiến Thuận tỉnh người, anh nhanh chóng nhớ lại cuộc tháo chạy khỏi thành phố và mình đã vào đây như thế nào. Một đoạn phim buồn bã chầm chậm quay ngược lại. Giấc chiêm bao làm cho Thuận bàng hoàng một lúc khá lâu.
Thuận thấy bụng đói cồn cào, định rửa mặt xong sẽ đi ra ngoài kiếm gì ăn thì hình ảnh vừa đập vào mắt từ khung cửa sổ làm cho Thuận sựng lại.
Một cây mai trông rất quen. Thuận lao ra vòng sang hướng bên ngoài cửa sổ. Đúng nó rồi! Những dấu khắc tên hoàng tử, công chúa T và H giờ chỉ còn là những vết sẹo mờ mờ. Thuận ngồi bệt xuống, tay mân mê vào lớp da cây sần sùi. Cây mai đôi của hai nhà Thuận và Hòa đây rồi, chung quanh mọi thứ đã đổi khác, chỉ nó vẫn như xưa, hơi phình to hơn, hơi già cỗi hơn, nhánh nhóc nhiều hơn chút nhưng vẫn là hình dáng ấy, hai tàn lớn ngã sang hai bên.
* * *
Giao thừa, chủ resort tổ chức tiệc ngoài trời mời tất cả khách trọ còn ở lại. Do tình hình dịch bệnh nên họ bố trí các bàn cách xa nhau gọi là tuân thủ 5K. Không pháo hoa, không dancing, chỉ một bài Happy New Year của băng nhạc ABBA được phát đi phát lại từ các loa âm có sẵn ở các nơi trong sân vườn.
Ông chủ người Tàu cặp tay bà vợ Việt và hai đứa con lai Tàu đi mời rượu champagne và chúc tết từng bàn. Khi họ tới gần, Thuận rùng mình nhận ra chiếc răng khểnh quen thuộc và cách trang điểm vẽ một cánh mai trên trán của bà chủ sang trọng trong chiếc sườn sám thêu gấm. Thuận cúi đầu nâng ly và lí nhí lời cảm ơn. Bước đi mấy bước, bà chủ ngoái lại nhìn Thuận. Cùng chồng đi đến bàn khác, bà chủ cứ thỉnh thoảng quay lại nhìn người đàn ông cô độc, một mình một bàn trong đêm giao thừa. Người ấy không nói gì cả, không làm gì cả, ly rượu dường như bất động trên tay, ánh mắt dường như bất động, nhìn mà dường như không thấy gì cả. Âm nhạc và những bước đi vô hồn khiến người đàn bà cảm giác như mình đang trôi, đang trôi, đang trôi mãi về nơi vô định.
Chỉ mấy ngày tết ở phòng trọ trong khu resort này mà Thuận kinh ngạc thấy tóc mình đã bạc trắng. Những giấc chiêm bao đêm đêm của Thuận luôn có một cành mai vàng rơi lìa ra từ cây mai đôi ngày xưa ấy. Và cũng trong những bồng bềnh giấc mộng cố nhân kia, miệng Thuận luôn ú ớ câu ca dao người làng biển chẳng biết vô tình hay cố ý mà bỏ lửng vế sau: Tết thì tết cả hai nhà!… Tết thì tết cả hai nhà!… Tết thì… Tết… cả… hai… nhà!”.