Cuộc tiến công Pháo đài Moncada năm 1953 được coi là “buổi bình minh” thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng của không chỉ nhân dân Cuba mà còn cả khu vực Mỹ Latinh chống lại chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.
Nhân dân Cuba và đông đảo các lực lượng cách mạng trên thế giới vừa kỷ niệm 70 năm Cuộc tiến công Pháo đài Moncada (26-7-1953 / 26-7-2023). Bảy thập kỷ đã trôi qua nhưng sự kiện này vẫn còn nguyên giá trị và sức lan tỏa.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc Mỹ Latinh, trong đó có Cuba, bước vào thời kỳ mới. Tuy nhiên, hàng loạt phong trào của các tầng lớp xã hội ở nước này đều hoặc là bị phá sản, hoặc là bị chính quyền độc tài Batista đàn áp đẫm máu. Trong bối cảnh đó, đầu năm 1953, một trí thức trẻ có tên Fidel Castro dẫn đầu Phong trào kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của anh hùng José Martí đã tập hợp hơn 1.000 thành viên, chủ yếu là thanh niên thuộc các tầng lớp bình dân, bí mật chuẩn bị cuộc đấu tranh lật đổ chế độ độc tài Batista.
Khoảng 5 giờ sáng 26-7-1953, Fidel Castro dẫn đầu hơn 130 thanh niên Cuba yêu nước tổ chức một cuộc tiến công vào Pháo đài Moncada. Đây là doanh trại quân đội lớn thứ hai của chế độ độc tài Batista, với trên 2.000 binh lính đóng quân, nằm ở tỉnh miền Đông Santiago de Cuba, cách thủ đô La Habana hơn 1.000km. Nếu chiếm được Moncada, lực lượng cách mạng sẽ tiến công một số căn cứ quân sự khác rồi phát động nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng, hoặc kéo lên vùng rừng núi miền Đông triển khai chiến tranh du kích nếu tình thế bắt phải hành động như vậy.
Pháo đài Moncada hiện là một trường học. Ảnh: Fernanda LeMarie |
Tuy nhiên, bởi một số yếu tố chủ quan và khách quan, cuộc tiến công đã mất đi tính chất bất ngờ và trở thành cuộc đọ súng không cân sức giữa quân du kích thiếu vũ trang và hàng nghìn binh sĩ chế độ Batista tại bản doanh. Tổng tư lệnh Fidel Castro quyết định lui quân. Trong khi đó, do quân chính quyền đã kịp thời phong tỏa các ngả đường, rất ít chiến sĩ thoát hiểm về được với quần chúng cách mạng, phần lớn còn lại đều bị địch bắt, tra tấn dã man ngay tại Pháo đài Moncada. Tổng cộng 61 người đã hy sinh và bị giết hại. Người chiến sĩ cách mạng Fidel Castro, em trai Raul Castro và nhiều chiến sĩ khác bị bắt giam.
Tại phiên tòa, người chiến sĩ cách mạng kiên trung Fidel Castro tự bào chữa, tạo thành văn kiện được xem như Cương lĩnh đầu tiên của cách mạng Cuba, sau này được xuất bản thành sách mang tựa đề “Lịch sử sẽ chứng minh cho tôi”, trong đó xác định mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc, chống chế độ độc tài, giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, dân chủ, công bằng xã hội và xây dựng chế độ xã hội của nhân dân lao động.
Cuộc tiến công vào Pháo đài Moncada không mang ý nghĩa quyết định cho cách mạng Cuba ở thời điểm đó nhưng dư âm của “buổi bình minh” ngày 26-7 cách đây 70 năm đã mở ra một giai đoạn phát triển mới đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Cuba. Cuộc đấu tranh đã khẳng định một thế hệ chiến sĩ cách mạng mới, trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết và kiên cường nhất định sẽ làm nên thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài của nhân dân Cuba. Nếu không có Moncada, sẽ không có cuộc đổ bộ của con tàu Granma, cuộc đấu tranh ở Sierra Maestra và thắng lợi huy hoàng ngày 1-1-1959, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đất nước.
Nếu như Moncada của 70 năm trước là một pháo đài với hàng nghìn binh lính của chế độ độc tài Batista, thì sau khi cách mạng thành công, Moncada ngày nay đã trở thành một trường học ngập tràn tiếng cười trẻ thơ, một biểu tượng sống động của Cuba – cường quốc giáo dục, an sinh xã hội và phát triển con người.
Mặt khác, “tiếng súng mở đầu” Moncada cũng thức tỉnh toàn bộ khu vực Mỹ Latinh sau hàng thế kỷ nghèo nàn lạc hậu dưới ách đô hộ của thực dân cũ và hàng thập niên tiếp tục lạc hậu trong điều kiện của chủ nghĩa thực dân mới. Khởi nguồn từ sự kiện Moncada, nhân dân Mỹ Latinh bừng tỉnh và đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc lần thứ hai, xác lập chủ quyền quốc gia đích thực, tự quyết định con đường phát triển của đất nước, bảo vệ công lý, công bằng xã hội, kiên định chống chủ nghĩa đế quốc… Không khó để tìm thấy “nguồn cảm hứng Moncada” trong cương lĩnh, đường lối, chiến lược của trong cuộc đấu tranh đầy thách thức chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tự do mới… của nhân dân Mỹ Latinh hiện nay.
Cuộc tiến công Pháo đài Moncada là một mốc son quan trọng của cách mạng Cuba, là tiền đề quan trọng để cách mạng Cuba đi đến thắng lợi cuối cùng. 70 năm sau mốc son quan trọng đó, Cuba tiếp tục công cuộc đổi mới để đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn về mọi phương diện kinh tế – xã hội. Con đường cách mạng mà lãnh tụ Fidel Castro và mọi tầng lớp nhân dân Cuba là con đường duy nhất đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội của Cuba và Mỹ Latinh.
MINH ANH (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.