TTH.VN – “Bền vững từ vỏ mì” là chương trình được CLB Mì tôm xanh triển khai tại Huế từ ngày 26/7 để đào tạo kỹ thuật đan lát cho người khuyết tật ở Trung tâm dạy nghề & tạo việc làm cho người khuyết tật – trẻ em khó khăn Hy Vọng (20 Nhật Lệ, TP. Huế).
Với những vỏ mì tôm thu gom được, các thành viên của Mì tôm xanh đã đào tạo cho người khuyết tật, trẻ em khó khăn ở Trung tâm Hy Vọng tạo ra những sản phẩm gia dụng, đồ trang sức, như những chiếc vòng tay, khuyên tai, giỏ, túi xách, hộp bút… bằng phương pháp sáng tạo kết hợp giữa kỹ thuật mây tre đan truyền thống Việt Nam với vật liệu hiện đại là vỏ mì tôm.
CLB Mì tôm xanh do cô trò Trường trung học Vinschool Times city (Hà Nội) sáng lập, sử dụng vỏ mì tôm và kỹ thuật mây tre đan truyền thống của Việt Nam để tạo nên những sản phẩm thủ công hữu dụng. Không chỉ mang tính sáng tạo, sản phẩm của Mì tôm xanh còn mang tính ứng dụng cao, với vô vàn mẫu mã đẹp mắt, vật liệu chống thấm nước và dẻo dai, bền bỉ. Những sản phẩm được tạo ra góp phần giảm thiểu lượng nhựa phát thải ra môi trường.
Dự án “Mì tôm xanh” đã nhận được tài trợ từ “Cuộc thi Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa – Huế 2023” để triển khai hoạt động góp phần giảm rác thải nhựa tại TP. Huế.
Đại diện CLB Mì tôm xanh chia sẻ: “Để hưởng ứng cho mục tiêu đưa Huế trở thành đô thị giảm nhựa, chúng tôi hướng đến kết nối và nâng cao nhận thức của người dân Huế về tái chế rác thải và sống bền vững. Mì tôm xanh tin rằng sự sáng tạo và đam mê trong việc tái chế vỏ mì có thể tạo nên môi trường sống xanh hơn cho cộng đồng và chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một Huế bền vững hơn”.
MINH HIỀN