Mỗi lần ba đãi cả nhà món cá rô đồng kho lá gừng là bao nhiêu vị yêu thương cứ ùa về, không lẫn vào đâu được…
Những ngày giữa tháng Ba, nắng dường như đã giòn giã nhuộm vàng cánh đồng, lúa đã trĩu bông tròn hạt, chẳng mấy chốc sẽ ngả sang vàng rực, cả cánh đồng sực thơm mùi thơm lúa mới. Mỗi chiều ba hay vác cuốc thăm ruộng, thi thoảng “trúng mánh” được vũng cá mắc cạn, bữa đó nhà tôi được bữa ngon nhớ đời.
Cánh đồng quê tôi chỉ có một vụ ăn nước trời, tức là canh tác phụ thuộc nước mưa của mùa thu đông, thu hoạch vào tầm tháng Ba. Bà con nông dân canh thời điểm gieo hạt, làm sao để đến lúc lúa gần chín là nắng bắt đầu gắt dần, nước ở các mương dẫn từ khe núi ra cũng bắt đầu cạn. Những con cá đồng sẽ co cụm lại ở những vũng nước nhỏ, chỉ cần đến đúng lúc là có thể bắt được mớ cá đen nháy dính đầy bùn non, béo ú mang về.
Trong mớ lộn xộn đó, tôi sẽ lựa ra những con cá tràu đồng để nấu tô canh chuối chát, mấy con cá diếc để kho rau răm, phần lớn là những con cá rô đen láy, giãy đành đạch.
Ba tôi là người ít vào bếp, nhưng mỗi khi có được mớ cá rô đồng, ba sẽ xung phong làm món cá kho lá gừng đãi cả nhà. Khi sơ chế, ba hay dặn, cá rô có xương nhọn ở sống lưng nên làm cá phải cẩn thận kẻo bị đâm chảy máu. Đầu cá rô cứng nên thường cắt bỏ đi, ba còn không quên nhắc tôi chạy ra vườn hái nắm ớt xiêm, lựa vài lá gừng tươi và non.
Ba chuẩn bị nồi đất. Lá gừng ba xắt từng đoạn bằng lóng tay rắc dưới đáy nồi, xếp từng con cá rô đã làm sạch lên trên rồi ướp gia vị. Công đoạn ướp cá của ba cũng kỳ công chẳng kém, ba rắc xíu muối, bột nêm, thêm ít dầu phụng, hành tiêu, nghệ tươi và đặc biệt là phải có thêm chút mắm cái.
Xong đâu đó, ba thả vài trái ớt xiêm lên trên. Nhà có bếp gas, nhưng mỗi lần kho cá là ba chỉ kho bằng bếp củi. “Có những món phải có thêm mùi của khói bếp nó mới tròn vị được” – ba giải thích.
Giống như ấm nước chè trong chái bếp, ba chỉ khen ngon khi nó được nấu sôi sùng sục trên bếp củi, hòa quyện mùi thơm của củi khô, mùi khói, mùi chè già từ trên nguồn gửi xuống làm nên thứ nước đậm vị, mỗi lần đi chơi đâu xa dài ngày ba đều quay quắt nhớ.
Khi kho cá, ba đốt lửa thật lớn bằng những cây củi keo thơm lựng, khi lửa bùng lên ước chừng sôi cả ấm nước chè, lúc đó trong lòng bếp đầy than hồng đỏ rực ba mới chịu bắc nồi cá lên liu riu. Chỉ dăm ba phút là nghe tiếng sôi lép bép, mùi thơm sực nức tỏa ra đến bờ kênh, khiến người qua lại phải tấm tắc khen.
Nghe tiếng lèo xèo là biết nồi cá kho sắp cạn nước, ba nếm tới nếm lui mấy bận mà xem ra như chưa ưng ý lắm. Tiếng ba rơi vào thinh không giữa những sợi khói bếp “ngày xưa chỉ có chút mắm, muối và nắm lá gừng, mà không biết sao nội bây kho ngọt đậm và thơm lắm”. Thì ra ba đang nhớ nội. Ngót 60 năm trời rồi, con cá của ngày xưa đâu thể nào giống con cá bây giờ cho được, phải không ba.
Có lẽ, không có thứ gia vị nào có thể thay thế bằng gia vị – sự nêm nếm của tình thương, tình yêu, của nỗi nhớ đeo đẳng mấy chục năm trời. Cũng giống như chúng con, có ra Bắc vào Nam, cũng sơn hào hải vị đủ món, nhưng chẳng đâu sánh bằng vị ngon của nồi cá kho gừng mà ba nấu. Bởi nó được nấu bằng nỗi nhớ niềm thương của ba dành cho nội, bằng tình yêu mộc mạc, chân chất của ba dành cho chị em chúng tôi.
Bữa cơm chiều có món cá rô đồng kho đưa cơm. Thịt cá thấm ngọt đậm đà, dậy thơm mùi lá gừng, the the vị ớt xiêm ở đầu lưỡi. Và miếng cơm, gắp miếng cá, nhìn ba, bất giác tôi mường tượng ra nội tôi. Chắc bà cũng dong dỏng cao, ngăn nắp sạch sẽ như ba vậy, ánh mắt hiền khô, giọng nói nhỏ nhẹ từ tốn. Có cái gì đó chạy dọc sống lưng tôi, rồi dừng lại ở khóe mắt. Cay xè!