Từ trên đài quan sát, thoả mắt ngắm cảnh rừng xanh bạt ngàn Vườn Quốc gia U Minh Hạ. (Ảnh do Vườn Quốc gia U Minh Hạ cung cấp)
Vườn Quốc gia U Minh Hạ (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) là 1 trong 34 VQG của toàn quốc, được Tổ chức UNESCO công nhận là 1 trong 3 vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Trong hơn 8.500 ha VQG U Minh Hạ quản lý, còn khoảng 1.761 ha là rừng nguyên sinh. Ðây là diện tích rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của tỉnh Cà Mau, với khoảng 176 loài cây cỏ, 23 loài thú, 91 loài chim và 47 loài lưỡng cư, bò sát.
Ðề án xây dựng với nguồn kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng nhưng nguồn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm phần nhỏ (hơn 52 tỷ đồng), còn lại từ nguồn vận động xã hội hoá để làm du lịch. Thời gian thực hiện đề án từ nay đến năm 2030.
Khu trung tâm Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: HUỲNH LÂM
Trải nghiệm du lịch Vườn quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: HUỲNH LÂM
Ông Hồ Hoàng Ca, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cho biết: “Theo đề án, quy hoạch tổng diện tích 1.318,5 ha, chia thành 6 phân khu: khu đón tiếp du khách; khu du lịch sinh thái; khu vườn dược liệu; khu tái hiện làng rừng và các làng nghề truyền thống; khu nghỉ dưỡng; khu trồng cây lưu niệm”.
Việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái VQG U Minh Hạ sẽ kết nối được các tuyến du lịch xung quanh như: Khu Du lịch Hòn Ðá Bạc, Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, các điểm du lịch cộng đồng trong khu vực huyện U Minh và các huyện khác trong tỉnh. Phát triển về du lịch ở khu vực này sẽ tạo sinh kế cho người dân, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và văn hoá tinh thần, cũng như nâng cao ý thức người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ðoàn khách du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh rất thích thú khi lần đầu tham quan Vườn Quốc gia U Minh Hạ. (Ảnh chụp ngày 7/7/2023). Ảnh: LOAN PHƯƠNG
Du khách thích thú khi được trải nghiệm các dịch vụ đặt lọp bắt cá, bơi xuồng xuyên rừng… (Ảnh chụp tại Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ – vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ). Ảnh: LOAN PHƯƠNG
Ông Hồ Hoàng Ca cho biết thêm, hiện tại đơn vị đang tập trung chuẩn bị các thủ tục và điều kiện cần thiết xúc tiến mời gọi nhà đầu tư tham gia. Theo kế hoạch, đến tháng 4/2024 đơn vị sẽ hoàn thành quy hoạch phân khu để nhà đầu tư sớm tiếp cận quy hoạch. Hiện đã có 7 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Ðơn vị đang đề xuất tỉnh đầu tư kinh phí thực hiện các công trình cơ bản như: cổng chào, hệ thống giao thông, điện, bến bãi… Ðây làđiều kiện ban đầu thu hút đầu tư, phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có sản phẩm để du khách tham quan, trải nghiệm./.
Huỳnh Lâm – Loan Phương