Minh họa: Phan Nhân |
Nhị hăng hái cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học Báo chí vào nhận công tác tại Phòng Kế hoạch của Công ty Cao su. Tuy mới nghe ra thấy sao sao ấy, vì tấm bằng và công việc không liên quan gì với nhau cả. Nhưng đây là một bước ngoặc lớn, là cột mốc khởi nghiệp đánh dấu sự trưởng thành của một cô gái miền Trung đang độ trăng tròn vừa giã biệt thời bút nghiên đáng nhớ.
Với một khởi đầu tốt đẹp mà bạn bè Nhị ai cũng thầm ao ước. Ngoài công việc chính ở Phòng Tổ chức lao động – Tiền lương của công ty, Nhị còn tham gia báo chí nữa. Cũng nhờ cái nghề tay trái ấy mà Nhị gặp anh. Anh lên đường nhập ngũ năm 1973 khi mới vừa 16 tuổi. Huấn luyện hai tháng ở Thái Bình rồi đi B vào Bình Định trực tiếp chiến đấu. Trong trận chiến ác liệt năm 1975, anh xạ thủ B40 này đã may mắn thoát hiểm nhưng bị thương nặng ở bàn tay trái. Khi lành bệnh, anh xung phong đi nuôi và chăm sóc thương binh theo đội hình của Bộ chỉ huy. Đến năm 1978, anh chuyển sang Đại đội Công binh (rà phá bom mìn). Có lẽ tiền duyên đã khiến xui hai người gặp nhau trên quê hương thứ hai này. Cuối năm 1981, họ cưới nhau. Nhị cảm thấy choáng ngợp trước hạnh phúc. Nhị thầm cảm ơn bố mẹ đã sinh mình rơi vào “ngôi sao may mắn”. Cảm ơn Trời đã ban cho mình những điều tốt đẹp nhất trên cuộc đời này. Niềm vui và hạnh phúc của Nhị cứ mãi nhân đôi bên cạnh người chồng biết yêu thương, chia sẻ và luôn hết lòng vì mọi người. Bên cạnh cô con gái bé bỏng, là trung tâm khởi xướng những trò cười vui nhộn…
* * *
Mấy hôm nay, những cơn mưa đầu hè bất chợt cứ vội đến rồi lại vội đi. Nhị gấp chiếc áo mưa vừa giặt phơi hôm qua bỏ vào ba lô cho chồng. Anh hôn lên đôi má phúng phính của con gái rồi khoác ba lô lên vai hăm hở bước ra cửa, vẫy tay tạm biệt vợ. Anh vẫn đi làm giống như mọi ngày. Nhưng chẳng hiểu vì sao hôm nay cái tổ ấm này cứ muốn níu chân anh lại. Tiếng ve râm ran hòa khúc nhạc vui mà lòng anh nao nao khó tả. Cặp mắt tròn xoe ngây thơ của con gái, ánh nhìn động viên long lanh của vợ, sự bình yên của mọi người và tình đồng đội là những yếu tố cơ bản tạo thành động lực thúc đẩy anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh rất tự hào vì mình được chứng kiến và tham gia trong cuộc chiến lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, nay lại tiếp tục tham gia ở trận tuyến “Giải phóng mặt bằng đất đai cho người dân yên tâm tăng gia, sản xuất”. Tiếng huýt sáo rộn vang theo bước chân anh đến nơi đồng đội đang chờ…
“Tại sao con gái cứ khóc hoài không chịu ngủ còn mình thì lòng dạ bứt rứt mãi không yên?!”. Nhị bế con đi tới đi lui để dỗ dành với tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Không phải vô cớ mà là cái giác quan thứ sáu đã ngầm mách bảo cho chị một điềm gì đó chẳng lành. Bất giác, Nhị rùng mình khi nghĩ đến anh. Và rồi…
Nhị mơ hồ nghe tiếng bước chân đi lại, tiếng nói xì xào của nhiều người. Đầu đau như búa bổ. Mắt nặng trình trịch không tài nào mở ra được. Nhị cố lục lọi trong tiềm thức rồi bất chợt bừng tỉnh và ngồi bật dậy. Chị quờ quạng hai tay tìm con, miệng thì thào: “Anh, anh ơi!…”. Bà ngoại gỡ tay chị rồi bế cháu. Có bàn tay ai đó đang dìu chị đến bên cỗ quan tài. Toàn thân chị đổ gục theo từng tiếng nấc nghẹn ngào. Nhị ôm cỗ quan tài. Đôi mắt vô định, khô khốc. Chị không nhìn thấy anh trong đó. Anh vẫn ngồi kia, vẫn nở nụ cười đôn hậu. Bàn tay run run, chị lần sờ nắn khắp khuôn mặt thân yêu trên di ảnh của anh. Có lẽ người nhà và đồng đội không muốn để chị nhìn thấy cảnh tượng đau lòng, nên lo khâm liệm cho anh trong thời gian chị bị ngất xỉu. Trong suốt thời gian tang gia, chị lặng lẽ như một cái bóng không hồn. Ai nói gì, hỏi gì chị cũng gật. Chị suýt nhảy theo anh xuống huyệt. Nhưng giọng van nài của mẹ và ánh mắt ngạc nhiên, ngây thơ của con gái bé bỏng hơn 5 tháng tuổi đã kéo chị về với thực tại. Chị không thể bỏ con. Nó chính là niềm hi vọng của anh, cũng chính là tài sản vô giá mà anh để lại cho chị. Nét mặt đanh lại, Nhị nhủ thầm: “Phải kiên cường đối diện với sự thật, phải vững tâm bước tiếp quãng đường còn lại; phải nuôi dạy con gái trưởng thành để hồn anh được thanh thản, để anh được tròn giấc bình yên!”. Nhị lắc đầu chua xót: “Nhưng sao khó quá? Anh còn rất trẻ mà…”.
* * *
Trước đây, mọi việc đối với Nhị đều đơn giản, dễ dàng vì bên cạnh có anh. Nhưng giờ thì, tất cả đều rối tung lên. Chị có thể vững tay lái để đưa con thuyền này về đến đích được không? Cuộc sống của mẹ già, của cô em gái ngờ nghệch và đứa con thơ chỉ trông cậy vào người phụ nữ vừa bước qua tuổi 20 như chị sao? Nhị ngồi trầm ngâm với bao nhiêu câu hỏi trong đầu. Chị cứ tưởng như mình đang mơ nhưng hóa ra là sự thật trăm phần trăm ấy. Chị phải vạch ra kế hoạch cụ thể cho cái gia đình chỉ toàn là phụ nữ và trẻ em này. Phải cố gắng thôi, rồi sẽ quen dần. Mẹ ở nhà trông hai đứa trẻ còn chị đi làm. Thỉnh thoảng, chị lại bắt gặp những ánh nhìn thương cảm từ đồng nghiệp và bà con lối xóm.
Bao lo toan, bộn bề cứ cuốn hút Nhị theo guồng thời gian. Chị đơn độc đối diện với bao nhiêu khó khăn, trở ngại. Chị cảm thấy mình kiệt sức và muốn đổ gục. Nhiều lúc chị muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nghĩ đến mẹ và con gái, chị không thể; không cho phép bản thân mình yếu đuối và bất lực như vậy. Chị lại gắng gượng rồi tiếp tục đứng lên và bước tiếp trên quãng đường gập gềnh, chông gai phía trước… Cái nhà tình nghĩa Nhà nước xây cho đã bị mối đục hết rui, mè. Chị trèo lên gỡ ngói, quét mối và pha thuốc diệt mối quét lên cẩn thận từng cây rui, mè rồi lợp ngói lại. Cái giếng cạn không còn nước. Chị tự mình trèo xuống vét giếng. Cái bóng đèn hư, cái dây điện bị chập, cái xe đạp thủng xăm, tất cả… chị đều tự tay sửa chữa.
Thời gian cứ thế trôi đi. Mẹ cũng bỏ chị về sum họp với ông bà. Con gái thật sự trưởng thành rồi. Giờ nó đã là một nữ chiến sĩ công an Nhân dân ưu tú và đã yên bề gia thất. Xung quanh tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên anh ở trên tường, là bốn Huy chương Chiến sỹ vẻ vang của con gái và mấy chục bằng khen của hai mẹ con chị. Chị cũng đã tốt nghiệp Đại học Luật như ước nguyện. Tóc chị cũng dần dần đổi màu. Ngôi nhà khang trang hơn trước. Tất cả đều đã đổi thay. Chỉ có Nhị và em gái vẫn đơn độc nương tựa cùng nhau. Đôi khi Nhị cũng cảm thấy chạnh lòng, cô đơn và buồn tủi. Nhưng chị thật sự hạnh phúc khi nghĩ đến con, cháu. Chị cũng rất tự hào về chồng, con và bản thân mình.
Đã có vài tiếng ve thưa thớt đang nôn nao gọi hè. Chính là điệp khúc ve đã từng đi sâu vào ký ức màu hồng đáng yêu của chị. Giờ tiếng kêu ấy đang khơi dậy nỗi đau thương, mất mát, trống trải trong lòng chị. Ngày 4/5/1983, anh đã hy sinh trên mảnh đất này, khi đưa hầm đạn B40 lên và bị nổ. Ngày đó, chị nghe tiếng ve sầu thảm thiết, chị nhìn thấy những xác phượng buồn rơi lả tả trước sân. Cuối cùng, chị đã đổ gục khi nhận hung tin về anh.
Đã 36 năm rồi kể từ khi vắng anh. Cũng ngần ấy năm, chị luôn canh cánh bên lòng vì cảm thấy cuộc đời anh nó có gì đó liên quan đến B40: “Anh là một xạ thủ B40 cừ khôi và rồi cũng chính B40 đã đưa anh vào giấc ngủ bình yên”. Anh tham gia hai cuộc chiến. Cuộc chiến thứ nhất thắng lợi lớn, anh trở thành một thương binh. Cuộc chiến thứ hai chưa về đích, anh đã ngủ quên vĩnh viễn không về. Mỗi khi nghĩ đến những điều đó, Nhị cảm thấy xót xa và nhớ anh da diết…