Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết nhằm xây dựng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024, bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IR) và thuế tối thiếu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT).
Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ phù hợp để giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu, thu hút nhà đầu tư mới, đảm bảo bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp.
Các dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%, trong đó, thường là lĩnh vực công nghệ cao thuộc các doanh nghiệp như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron…
Dù chỉ chiếm khoảng 1% số dự án, nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam, đạt khoảng 131,3 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu nếu được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia khác cũng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính trên 14.600 tỷ đồng.
Nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tăng nguồn thu Ngân sách Nhà nước từ phần thu thuế bổ sung này.
Các ông lớn tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài có bị tác động?
Tại Việt Nam, có hai tập đoàn của Việt Nam có đầu tư lớn ra nước ngoài là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Phía Tổng cục Thuế đã rà soát và đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với hai tập đoàn này.
Tính đến 31/12/2022, Viettel đầu tư tại 10 quốc gia với tổng số vồn đầu tư là 7.464 tỷ đồng, tập đoàn trực tiếp đầu tư vào Peru với số vốn 100,5 triệu USD.
Mức thuế suất thuế TNDN tại các nước do Viettel đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp đều trên 15%, riêng tại Viettel Đông Timor mức thuế 10% do được miễn thuế theo từng khu vực, bình quân thuế suất thực tế từ 5 – 7%.
Theo Bộ Tài chính, nếu Việt Nam áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (quy định IIR) mà Đông Timor không áp dụng (quy định QDMTT) thì có khả năng thu thêm phần thuế TNDN chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu so với mức thuế thực tế Viettel phải nộp tại Đông Timor.
Còn với PVN, tính đến 31/12/2021, tập đoàn và 8 đơn vị thành viên đăng ký 33 dự án đầu tư ra nước ngoài tại 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, lĩnh vực dầu khí 30 dự án; khai thác khoáng sản 3 dự án.
Theo thông tin của PVN, hầu hết dự án đầu tư ra nước ngoài đang hoạt động chỉ còn tập trung tại Nga, Malaysia, Singapore, Lào, chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, chịu mức thuế suất thuế TNDN hoặc loại thuế tương tự thuế TNDN tại các quốc gia khá cao, từ 30% đến 60%.
Do đó, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN. Tập đoàn không phải nộp bổ sung tiền thuế TNDN tại các quốc gia đầu tư nếu các quốc gia áp dụng QDMTT hoặc tại Việt Nam nếu Việt Nam áp dụng Quy định IIR.
Đối với các tập đoàn khác có công ty mẹ tối cao tại Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Tổng cục Thuế đang tiếp tục rà soát, đanh giá tác động đối với các tập đoàn này, bao gồm tác động của quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu theo quy định IIR và tác động của quy định QDMTT.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023 diễn ra vào ngày 27/6 , Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế.
Theo Thủ tướng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ tác động sâu rộng đến tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh nước ta, cần kịp thời có giải pháp phù hợp.
“Việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời, việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới” Thủ tướng nhấn mạnh.