Với bề dày lịch sử và kho tàng di sản văn hóa phong phú, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển “công nghiệp văn hóa”, trở thành một động lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Quảng Ninh có hơn 3.600 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, chữ viết, tiếng nói… của 22 dân tộc. Văn hóa Quảng Ninh còn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng, lao động sản xuất của công nhân Vùng mỏ, tiếp tục được gìn giữ, phát huy đến ngày nay. Các di sản truyền thống hiện có sức sống mạnh mẽ, nhờ được bảo tồn, khai thác một cách sáng tạo. Các di tích lịch sử, văn hóa trong toàn tỉnh nhìn chung được quan tâm trùng tu, bảo tồn; nhiều loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu của các vùng miền, nhất là các địa bàn vùng cao, dân tộc thiểu số được quan tâm phục dựng như: Lễ hội hát Soóng Cọ, Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà (huyện Ba Chẽ); Lễ hội Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả)…, đang là những điểm nhấn về du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Bên cạnh các di tích, di sản văn hóa truyền thống, mang tính bản sắc cổ truyền các dân tộc, Quảng Ninh còn nổi tiếng với những sản phẩm ấn tượng như: Lễ hội Carnaval, Lễ hội áo dài, phố đi bộ, Liên hoan ẩm thực, âm nhạc đường phố, văn nghệ quần chúng… Cùng với đó là những điểm đến văn hóa hiện đại, là những công trình văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế: Bảo tàng – Thư viện; Công viên hoa Hạ Long; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ…
Tỉnh đã tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển giao thông kết nối đô thị, dịch vụ, văn hóa thể thao… theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, nhiều công trình trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, tuyến cao tốc dọc tỉnh, Cảng cao cấp Ao Tiên, Cầu Tình Yêu… Cơ sở hạ tầng được đầu tư đã tạo điều kiện để các sự kiện văn hóa, thể thao cấp khu vực, quốc tế được tổ chức ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh.
Phát triển “công nghiệp văn hóa” tại Quảng Ninh còn phải nói đến những bước tiến trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điển hình với hoạt động của Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh. Qua gần 5 năm thành lập (tháng 4/2018), Đoàn đã liên tiếp đảm nhiệm những chương trình nghệ thuật trong các sự kiện lớn của tỉnh, các ban, ngành; tham gia tích cực vào công tác bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống với rất nhiều vở diễn được dàn dựng công phu, chất lượng cao. Nhiều sản phẩm văn hóa phục vụ công chúng cũng là cách để giải quyết việc làm cho các nghệ sĩ, đảm bảo thu nhập ổn định. Đoàn duy trì thường niên các đợt chương trình biểu diễn phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của tỉnh. Tại đây, các tiết mục trình diễn linh hoạt, lồng ghép tuyên truyền giáo dục pháp luật, ca ngợi văn hóa truyền thống vùng, miền, hấp dẫn người xem.
Dù giàu tiềm năng, lợi thế và đã có những bước phát triển, song “công nghiệp văn hóa” ở Quảng Ninh vẫn chưa thực sự bứt phá xứng tầm. Để tạo sự chuyển biến trong giai đoạn mới, cần có định hướng, giải pháp đồng bộ, góp phần phát huy hiệu quả giá trị di sản, nâng sức hấp dẫn cho điểm đến, từng bước thúc đẩy du lịch văn hóa Quảng Ninh ngày một hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 12/2/2023, nêu rõ: Giao Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án thí điểm phát triển “công nghiệp văn hóa” tại tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý III/2023.
Trong những năm qua, dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Cơ sở vật chất du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.654 cơ sở lưu trú du lịch với 33.593 phòng đã được xếp hạng; 133 công ty, chi nhánh lữ hành; 12/13 địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được công nhận các tuyến, điểm du lịch. Hạ tầng du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch được chú trọng và đạt hiệu quả cao… |