Sáng 26-7, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Va, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ.
Tại hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã quán triệt nội dung Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”. Theo đó, Quy định số 114 gồm 5 chương, 16 điều; quy định những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; xử lý vi phạm…
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định. |
Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ. Hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gồm 19 hành vi, trong đó có 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn; 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 5 hành vi tiêu cực khác. Một số hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; chạy chức, chạy quyền gồm: Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc sắp xếp các hoạt động vui chơi giải trí… cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ… Quy định này thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương quán triệt Quy định số 113-QĐ/TW ngày 10-7-2023 của Ban Bí thư về thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Quy định gồm 5 điều; quy định đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện, điều kiện, thẩm quyền, tổ chức thực hiện. Về đối tượng thí điểm, áp dụng đối với đảng ủy cơ sở trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước (trừ đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn và đảng ủy cơ sở trong lực lượng vũ trang). Quy định cũng lưu ý nguyên tắc thí điểm phải thận trọng, chỉ thực hiện ở những đảng ủy thực sự cần thiết. Việc thí điểm do đảng ủy cấp trên trực tiếp đề nghị, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ban Tổ chức Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 113-QĐ/TW của Ban Bí thư đều có vai trò rất quan trọng, được xây dựng, ban hành xuất phát từ tình hình thực tế nhằm thay thế một số văn bản trước đó. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu triển khai, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm các quy định; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định./.
Tin, ảnh: Xuân Thu