Với hàng chục triệu người bị ảnh hưởng ở Bắc bán cầu bởi nắng nóng gay gắt, tháng 7 sắp trở thành tháng nóng nhất trên toàn cầu từng được ghi nhận. Các chuyên gia cảnh báo rằng điều tồi tệ hơn sẽ đến trừ khi chúng ta giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh.
Những đợt nắng nóng gay gắt đã bao trùm Nam Âu, một số khu vực của Mỹ, Mexico và Trung Quốc trong tháng này, với nhiệt độ trên 45 độ C.
Trong phân tích mới về nhiệt độ, các nhà khoa học thuộc nhóm World Weather Attribution (WWA) phát hiện ra rằng các đợt nắng nóng ở các vùng của châu Âu và Bắc Mỹ gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu.
Họ phát hiện ra rằng nhiệt độ ở Trung Quốc có khả năng cao gấp 50 lần do sự nóng lên toàn cầu. Nhà khoa học khí hậu Friederike Otto, thuộc Viện Môi trường và Biến đổi Khí hậu Grantham, Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Vai trò của biến đổi khí hậu là rất lớn”.
Nhiệt độ khắc nghiệt đã càn quét phần lớn châu Mỹ – bao gồm cả ở một số khu vực của nước Mỹ, những nơi đã phải chịu mức nhiệt kỷ lục trong ba tuần liên tiếp trên 43 độ C.
Các đám cháy trên đất liền và trên các hòn đảo của Hy Lạp đã khiến hàng chục nghìn người phải chạy trốn, khách du lịch phải tranh giành các chuyến bay sơ tán và khiến Thủ tướng Hy Lạp phải nói rằng đất nước như đang “có chiến tranh”.
Tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc kêu gọi người già ở trong nhà và trẻ em rút ngắn thời gian chơi ngoài trời để giảm tiếp xúc với nhiệt và ô nhiễm tầng ozone.
Các nhà khoa học đã xác định rằng biến đổi khí hậu – với sự gia tăng khoảng 1,2 độ C trên toàn cầu kể từ cuối những năm 1800 – đã khiến các đợt nắng nóng nói chung trở nên nóng hơn, kéo dài hơn và thường xuyên hơn.
Để theo dõi các đợt nắng nóng tháng 7 ở bán cầu bắc đã khác xa bao nhiêu so với dự kiến nếu không có sự nóng lên đó, nhà nghiên cứu Otto và các đồng nghiệp tại WWA đã sử dụng dữ liệu thời tiết và mô phỏng mô hình máy tính để so sánh khí hậu ngày nay với khí hậu trước đây.
Otto cho biết trước đây “về cơ bản là không thể” xảy ra những đợt nắng nóng nghiêm trọng như vậy. “Chừng nào chúng ta còn tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều những điều cực đoan này”, bà nói.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những đợt nắng nóng nghiêm trọng này hiện có thể xảy ra khoảng 15 năm một lần ở Bắc Mỹ, 10 năm một lần ở Nam Âu và 5 năm một lần ở Trung Quốc.
Và chúng thậm chí sẽ trở nên thường xuyên hơn – xảy ra cứ sau 2 đến 5 năm – nếu nhiệt độ tăng lên 2 độ C, dự kiến trong khoảng 30 năm tới trừ khi các quốc gia thực hiện các cam kết của Thỏa thuận Paris và nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải.
Tuần trước, nhà khí hậu học hàng đầu của NASA Gavin Schmidt đã nói với các phóng viên rằng tháng 7 năm 2023 không chỉ là tháng nóng nhất tuyệt đối kể từ khi các ghi chép bắt đầu, mà còn là tháng nóng nhất trong “hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn năm”.
Tổ chức Y tế Thế giới mới đây đã cách báo rằng nắng nóng cực độ đang gây căng thẳng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe, tấn công người già, trẻ sơ sinh và trẻ em. WHO cho biết họ đặc biệt lo lắng cho những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và hen suyễn.
Mai Anh (theo AFP, CNA)