Tại Hội nghị tái định nghĩa tài năng (Reimagine Gifted and Talented Education – RE*GATE) diễn ra ngày 26.7, tại Trường ĐH VinUni (Hà Nội), các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chia sẻ các nghiên cứu của mình với nhiều nhà giáo dục đến từ nhiều trường đại học (ĐH), phổ thông trong nước.
Hội nghị diễn ra cả ngày, với nhiều phiên làm việc xoay quanh các chủ đề GD-ĐT tài năng.
Bắt đầu từ câu hỏi “tài năng ra trường có việc làm không?”
TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường (HĐT) Trường ĐH VinUni, đại diện cho nhóm nghiên cứu của trường ĐH này (gồm 5 nhà khoa học và 10 sinh viên), đã chia sẻ kết quả ban đầu về nghiên cứu chủ đề tương lai của cử nhân tài năng trong thị trường tuyển dụng mà nhóm thực hiện.
Nhóm đã khảo sát 344 sinh viên của nhiều trường ĐH khác nhau, 35 doanh nghiệp lớn hàng đầu ở Việt Nam, 50 cuộc phỏng vấn sâu với sinh viên năm 3 Trường ĐH VinUni và các nhà tuyển dụng là doanh nghiệp. Theo TS Lê Mai Lan, đây là một hoạt động có ý nghĩa mà trường triển khai trước khi khóa tuyển sinh đầu tiên của trường tốt nghiệp vào cuối năm học tới.
Nhóm nghiên cứu đã tham khảo phương pháp nghiên cứu của nhiều ĐH danh tiếng trên thế giới để từ đó xây dựng một phương pháp phù hợp với thực tế thị trường lao động Việt Nam, là bộ công cụ gồm 40 kỹ năng của 4 nhóm kỹ năng quan trọng của một tài năng.
Nhóm đầu tiên là kỹ năng làm việc với não bộ (khả năng học hành), hai là kỹ năng làm việc với máy (khả năng ứng dụng công nghệ), ba là kỹ năng làm việc với người khác (với đồng nghiệp), bốn là kỹ năng làm việc với chính bản thân mình. “Kỹ năng thứ 4 là kỹ năng có đòi hỏi cao nhất, bởi hiểu mình, tối ưu con người mình, thay đổi chính mình… là khó nhất”, TS Lan nhận xét.
“Hành trình nghiên cứu đề tài này của chúng tôi bắt đầu bằng những câu hỏi như: tài năng ở Việt Nam ra trường có việc làm không? Nếu có thì việc làm đó có tốt không? Được trả lương thế nào? Sự nghiệp của họ sẽ như thế nào?…
Khá lạ là có rất ít nghiên cứu đã công bố về những điều này, mặc dù chúng ta có rất nhiều trường THPT chuyên, rất nhiều trường ĐH mở hệ cử nhân tài năng. VinUni chỉ là một trường ĐH đi sau góp phần vào công cuộc đào tạo tài năng đó ở Việt Nam”, TS Lê Mai Lan cho biết.
Tài năng tương lai thường kỳ vọng gấp rưỡi, gấp đôi về lương
Kết quả nghiên cứu cho thấy có nhiều nội dung thú vị, chẳng hạn như vấn đề kỳ vọng của cử nhân tài năng về vấn đề lương và mức độ sẵn sàng chi trả của doanh nghiệp.
“Gần đây, Trường ĐH VinUni được đón tiếp rất nhiều đoàn của Hàn Quốc, Singapore…, với mục đích chào mời các tài năng đi sang nước bạn làm việc với mức lương rất cao. Còn ở ta thì sao, nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương bao nhiêu/tháng cho các tài năng? Hiện tại, chúng tôi chưa công bố cụ thể các con số mà nhóm nghiên cứu có được, nhưng biên độ là rất rộng, trải dài từ mức 5 triệu đồng/tháng đến 30 triệu đồng/tháng. Có trường hợp có thể lên tới 50 triệu đồng/tháng”, TS Mai Lan chia sẻ.
TS Mai Lan cho biết, thêm một chi tiết đáng chú ý: cử nhân tài năng thường kỳ vọng về mức lương khởi điểm mình sẽ được trả cao gấp rưỡi, gấp đôi với mức sẵn sàng chi trả của nhà tuyển dụng. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bên ở trong khoảng từ 6 – 15 triệu đồng/tháng.
Điều này không có nghĩa là doanh nghiệp từ chối mức chi trả cao (từ 30 – 50 triệu đồng/tháng). Họ vẫn sẵn sàng trả nếu như cử nhân tài năng chứng tỏ được bản thân. Mức thu nhập tỷ lệ thuận với sự vượt trội về tài năng. Từ đó, nhóm nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi (để tìm câu trả lời) trong báo cáo của mình: ai sẽ giúp các em khả năng thể hiện tất cả các kỹ năng mà các em có khi đi xin việc?