Bàng quang là một cơ quan rỗng, thực chất là nơi chứa nước tiểu. Khi thận lọc chất cặn bã từ máu sẽ sản sinh ra nước tiểu và qua hai ống niệu quản, nước tiểu được dẫn vào bàng quang rồi xuyên qua niệu đạo để ra ngoài.
Bác sĩ Phạm Minh Đức, Khoa Khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ung thư bàng quang là một khối u ác tính khởi phát từ bàng quang, phổ biến nhất là từ các tế bào lót mặt trong của bàng quang. Kích thước của khối u ở mỗi người là không giống nhau và khối u có khả năng phát triển sâu vào trong lớp cơ bàng quang và di căn đến các bộ phận khác”.
Theo thống kê chuyên khoa của y học hiện nay cho thấy, ung thư bàng quang có các dạng: Ung thư tế bào biểu mô chuyển tiếp; ung thư biểu mô tế bào vảy; ung thư phối hợp từ nhiều loại tế bào khác nhau…
Sự nguy hiểm của căn bệnh ung thư bàng quang đó là các triệu chứng thường dễ nhầm lẫn với căn bệnh viêm đường tiết niệu nên nhiều người chủ quan, không phát hiện kịp thời từ sớm. Chuyên gia y tế khuyến cáo, khi thấy những triệu chứng như có máu trong nước tiểu; tiểu đau, tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu rắt và không tự chủ… thì phải cảnh giác, đây rất có thể là người bệnh đã mắc phải căn bệnh ung thư bàng quang. Ngoài ra, ở giai đoạn cuối (giai đoạn 4) còn có các triệu chứng như: Đau đầu, đau ở bên phía hông lưng, đau ở vùng xương mu, đau xương…
Bác sĩ Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, thăm khám cho bệnh nhân ung thư đang điều trị tại khoa.
Về nguyên nhân xuất hiện của căn bệnh ung thư bàng quang, Bác sĩ Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết: “Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho nguyên nhân gây ung thư bàng quang. Tuy nhiên, các chuyên gia về niệu học cho rằng, các yếu tố có thể khiến cho ung thư bàng quang phát triển gồm: Hút thuốc lá; người bệnh đã từng tiếp xúc với hóa chất ở nơi làm việc; thường xuyên sử dụng thuốc tây trong quá trình điều trị bằng liều cao; có hóa chất trong nước uống và có thể là do không uống đủ nước”.
Việc điều trị ung thư bàng quang hiện nay chủ yếu dựa vào các phương pháp cơ bản như phẫu thuật. Sẽ có 2 phương pháp phẫu thuật, đó là cắt bàng quang chính gồm cắt bàng quang đơn giản (hoặc đơn thuần) cho những bệnh lý lành tính và cắt bàng quang tận gốc cho ung thư bàng quang. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng phương pháp hóa trị. Điều trị hóa chất có thể điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp với cả phẫu thuật và xạ trị. Ngoài ra, phương pháp xạ trị có thể được dùng trước và sau khi phẫu thuật để làm giảm kích thước khối u và tiêu diệt tận gốc các tế bào ung thư. Những bệnh nhân không phẫu thuật được thì tiến hành xạ trị bao gồm xạ trị trong và xạ trị ngoài.
Cho dù có điều trị bằng phương pháp nào đi chăng nữa, thì đó vẫn là các phương pháp thụ động, hiệu quả không phải bệnh nhân nào cũng có thể đáp ứng được. Giải pháp tốt nhất vẫn là phòng bệnh và thường xuyên tầm soát ung thư. Tốt nhất là không hút thuốc lá, bao gồm chủ động lẫn thụ động; tránh tiếp xúc với hóa chất và sử dụng các biện pháp hỗ trợ chuyên dụng khi cần; cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng; nên uống nhiều nước lọc và đảm bảo chất lượng nguồn nước khi sử dụng. Việc tăng cường vận động, tập luyện thể thao cũng là một giải pháp để đào thải độc tố khỏi cơ thể. Đặc biệt là không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ chỉ định.
Các bác sĩ chuyên Khoa Ung bướu khuyến cáo, đối với những người ở vào độ tuổi từ 40-70, tốt nhất là nên tầm soát theo định kỳ để sớm phát hiện và kịp thời điểu trị hiệu quả nếu có dấu hiệu của căn bệnh ung thư bàng quang./.
Phương Vũ