(QNO) – Tháng 7 lịch sử lại về với bao kí ức về những người quên mình xả thân cho cách mạng, cho đất nước. Là người con xã Bình Sa (Thăng Bình), chúng tôi vô cùng quý mến người lính chân chất, nghĩa tình giữa thời bình – Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Bộ Công an.
Những năm tháng không quên
Trung tướng Châu Văn Mẫn tên thật là Châu Văn Đẹp, sinh ngày 11/8/1950. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại mảnh đất Bình Sa, Thăng Bình.
Những năm thập niên 60 khi còn là thiếu niên ông đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng làm công tác giao liên, thu thập và chuyển tin tức tình báo cho cách mạng, trực tiếp được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đưa những thư từ bí mật phục vụ cho cách mạng. Suốt những năm tháng đó ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đường dây liên lạc bị lộ, tháng 4/1970, ông bị bắt và giam tại tù Côn Đảo.
Tại đây dù địch có hàng trăm, hàng ngàn quỷ kế tra tấn dã man nhằm khai thác thông tin, truy tìm những người tham gia cách mạng mà trong thời gian ông làm giao liên biết được. Nhưng với chí khí kiên cường của người cộng sản, ông tuyệt đối không khai để bảo tồn đường dây liên lạc cũng như tính mạng của đồng đội đang chiến đấu bên ngoài. Những trận đòn tàn nhẫn của kẻ thù không ngừng trút lên người, thân thể ông không còn chỗ nào lành lặn… Vậy mà trong tù ông cùng đồng đội tiếp tục làm báo đấu tranh chính trị với kẻ địch. Đòi thả tù nhân, đòi tự do, kêu gọi các tù nhân tuyệt đối không khai những gì có hại cho cách mạng, đoàn kết đấu tranh chờ ngày giải phóng. Và ngày ấy cũng đã đến – ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
Nhiệm vụ đầu tiên của ông sau ngày giải phóng là gác cổng cho một đơn vị an ninh tại Côn Đảo lúc bấy giờ. Với bản chất thật thà, chịu thương chịu khó trong công tác và học tập, người thương binh này được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ và tạo điều kiện cho đi học, đào tạo qua các trường của công an nhân dân, rồi được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an giao tín nhiệm, giữ chức Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và là Đại biểu Quốc hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Do lập được nhiều chiến công hiển hách, ông được Bộ Công an điều đồng ra thủ đô, giữ chức vụ Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Bộ Công an và được phong quân hàm Trung tướng.
Ngày 17/10/2011, ông Châu Văn Mẫn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau bao nhiêu năm tham gia cách mạng và công tác trong ngành công an, đến năm 2011 Trung tướng Châu Văn Mẫn – anh hùng LLVTND về hưu.
Hết lòng vì quê hương…
Trở về với cuộc sống đời thường, lẽ ra ông nghỉ ngơi, sống an nhàn bên con cháu sau bao năm xa cách, khổ cực đã trải qua. Nhưng với tinh thần của một cựu tù Côn Đảo trung kiên, yêu nước, dù ông mang trong mình chất độc da cam, thương binh 2/4, sức khỏe không được tốt nhưng trong ông vẫn luôn đau đáu, trăn trở nhiều nỗi niềm về mảnh đất quê hương Bình Sa – nơi ông sinh ra, lớn lên.
Nỗi trăn trở lớn nhất của ông là ở quê nhà, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng đang gặp nhiều khó khăn về nhà ở, nơi thờ cúng các anh hùng liệt sĩ chưa chu đáo. Rồi đến các cụ già neo đơn không nơi nương tựa, các cháu học sinh đến trường thiếu sách vở và phương tiện đi lại, trường học ọt ẹp không che được mưa nắng, thiếu trang thiết bị dạy học, nhân dân trong thôn chưa có nhà sinh hoạt văn hóa…
Ông lại bắt tay với chính quyền xã nhà kêu gọi các nhà đầu tư, kêu gọi các nhà hảo tâm là doanh nghiệp làm ăn khá giả trên mọi miền tổ quốc.
Trung tướng Châu Văn Mẫn đã trích từ nguồn lương hưu của mình và kêu gọi xây hơn 20 ngôi nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách và nhà dột nát cho các hộ neo đơn khó khăn về nhà ở.
Xây dựng 2 bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tập thể trên địa bàn thôn Châu Khê giá trị hơn 1 tỷ đồng. Kêu gọi tập đoàn Dầu Khí, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng Liên Việt, Báo Công an nhân dân xây dựng hơn 30 phòng học cho 3 cấp học tại xã, đầu tư các phòng máy vi tính cho 2 trường THCS Chu Văn An và Tiểu học Trần Phú trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Xây dựng nhà văn hóa đầu tiên của xã tại thôn Châu Khê với hơn 300 triệu đồng; xây dựng hơn 1,2km bê tông hóa GTNT trên địa bàn thôn Châu Khê.
Hỗ trợ kinh phí cùng với chính quyền địa phương trùng tu và đề nghị công nhận 2 di tích lịch sử cấp tỉnh là nhà thờ Tiền hiền và mộ Tiền hiền làng Tiên Châu tại thôn Châu Khê, đồng thời đề nghị công nhận 3 cây thị tại nhà thờ Tiền hiền làng Tiên Châu là cây di sản…
Vị tướng giữa thời bình Châu Văn Mẫn sống vô cùng giản dị và gần gũi với bà con nhân dân. Ông rất quan tâm đến các cụ già, những người neo đơn và các cháu thiếu niên, nhi đồng. Mỗi năm tết đến xuân về ông đều có quà cho các hộ nghèo trên địa bàn toàn xã đón xuân. Mỗi lần ghé thăm, ông đều dành những bộ quần áo, bánh kẹo cho các cháu trường Mẫu giáo Bình Sa, những chiếc xe đạp cho các em học sinh cấp 2 đi học xa trường mà gia đình khó khăn.
Gần 15 năm nay, ông duy trì tặng thưởng mức 700.000 đồng dành cho học sinh giỏi nhất khối và 500.000 đồng dành cho học sinh giỏi nhất lớp. Cạnh đó ông còn dành nhiều phần thưởng cho các em có thành tích và đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi ở huyện và tỉnh.
Bà con ở xã Bình Sa, từ học sinh nhỏ tuổi cho đến các cụ già đều yêu mến ông tướng hết lòng vì quê hương. Họ thân thiết gọi ông bằng cái tên thân thương thời thơ ấu là ông Ba Đẹp.
Những ngày lễ tết cúng kị trong làng ông đều có mặt, ăn bữa cơm giản dị, thân mật với bà con. Người dân Bình Sa vui miệng nói với nhau: “Ước chi xã mình có được vài ông như ông Mẫn”.
Tôi là người con quê hương, đang làm công tác giáo dục ở xã, cũng là một người con Bình Sa trân trọng và quý mến ông tướng chân tình, hết lòng hướng về quê hương. Tôi tự hào vì quê hương đã sinh ra người con như vậy, mong ông có nhiều sức khỏe để tiếp tục đóng góp cùng quê nhà, xây dựng quê hương Bình Sa ngày càng tươi đẹp.