Khi cân nặng bất hợp lý, có thể là thừa cân, béo phì hoặc thiếu cân đều gây ra những tác động không tốt đến sức khỏe tổng thể.
Khi cơ thể thừa cân, béo phì
Chỉ số khối cơ thể (BMI) là số liệu giúp xác định cân nặng so với chiều cao của một người có ở phạm vi bình thường hay không.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với người châu Á, chỉ số BMI từ 23,0-24,9 là thừa cân, từ 25,0 trở lên là béo phì. Có nhiều nguyên nhân gây thừa cân, béo phì như chế độ ăn uống thiếu khoa học, do gen, do thiếu hoạt động thể chất, ngủ không đủ giấc…
Khi có cân nặng khỏe mạnh (BMI trong phạm vi 18,5-22,9) tạo tiền đề cho xương, cơ, não, tim và những bộ phận khác hoạt động trơn tru và hiệu quả trong nhiều năm.
Béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. |
Khi thừa cân, đặc biệt là béo phì sẽ làm suy giảm hầu hết mọi khía cạnh của sức khỏe, từ chức năng sinh sản, hô hấp đến trí nhớ và tâm trạng. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính nguy hiểm và tử vong bao gồm bệnh đái tháo đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư. Bên cạnh đó, béo phì làm giảm chất lượng và thời gian sống, đồng thời làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cá nhân, quốc gia và toàn cầu.
Béo phì và bệnh đái tháo đường
Các tế bào mỡ, đặc biệt là những tế bào được tích trữ quanh eo, tiết ra hormone và các chất khác gây viêm. Mặc dù tình trạng viêm là một thành phần thiết yếu của hệ thống miễn dịch và là một phần của quá trình chữa bệnh, nhưng chứng viêm có thể khiến cơ thể phản ứng kém hơn với insulin và thay đổi cách cơ thể chuyển hóa chất béo và carbohydrate, dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn và cuối cùng là bệnh đái tháo đường cùng nhiều biến chứng của bệnh.
Béo phì và bệnh tim mạch
Trọng lượng cơ thể có liên quan trực tiếp đến các yếu tố nguy cơ tim mạch khác nhau. Khi chỉ số BMI tăng lên, huyết áp, cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), triglyceride, lượng đường trong máu và tình trạng viêm cũng tăng theo. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đột quỵ và tử vong do tim mạch.
Béo phì và ung thư
Mối liên quan giữa béo phì và ung thư không hoàn toàn rõ ràng như đối với bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, béo bụng và tăng cân khi trưởng thành cũng có liên quan đến một số bệnh ung thư như: Ung thư vú, ruột kết và trực tràng, nội mạc tử cung, thực quản, thận, buồng trứng, tuyến tụy…
Ngoài ra, béo phì còn ảnh hưởng đến tình trạng trầm cảm và chất lượng cuộc sống, tác động đến cơ, xương khớp và các khía cạnh khác nhau của sinh sản, từ hoạt động tình dục đến thụ thai. Trọng lượng dư thừa cũng làm suy yếu chức năng hô hấp, ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn, ngưng thở khi ngủ… Bên cạnh đó, béo phì có liên quan đến suy giảm trí nhớ và chức năng nhận thức, bệnh thận mạn tính, gan nhiễm mỡ không do rượu…
Khi cơ thể thiếu cân
TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng cho biết, khi chỉ số khối cơ thể dưới 18,5 được coi là nhẹ cân hay thiếu năng lượng trường diễn. Nguyên nhân cơ bản, phổ biến nhất của tình trạng thiếu cân là dinh dưỡng không đầy đủ. Các nguyên nhân khác là do bệnh tật (ung thư, bệnh đa xơ cứng, bệnh lao) và rối loạn ăn uống. Thiếu cân cũng gây ra những rủi ro sức khỏe nhất định, bao gồm:
Suy dinh dưỡng
Khi bị thiếu cân, bạn có thể không ăn đủ thực phẩm lành mạnh với các chất dinh dưỡng quan trọng để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Điều này có thể gây suy dinh dưỡng. Theo thời gian, suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gây các triệu chứng như mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng; bị ốm thường xuyên hoặc gặp khó khăn trong việc chống lại bệnh tật; kinh nguyệt không đều ở nữ giới; tóc mỏng hoặc rụng, da khô hoặc các vấn đề về răng… Suy dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến thiếu máu hoặc thiếu hụt các vitamin thiết yếu.
Loãng xương
Thiếu cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, gây tình trạng xương giòn và dễ gãy hơn.
Các vấn đề về da, tóc hoặc răng
Khi cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể gặp các biểu hiện như da mỏng, rụng tóc, da khô hoặc sức khỏe răng miệng kém.
Bị ốm thường xuyên
Không nhận đủ năng lượng từ chế độ ăn uống để duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh cũng khiến cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng để chống lại nhiễm trùng và dễ mắc bệnh thông thường như cảm lạnh…
Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi
Calo là phép đo năng lượng mà một loại thực phẩm cụ thể có thể cung cấp cho một người. Không nhận đủ calo để duy trì cân nặng hợp lý có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
Thiếu máu
Một người thiếu cân có nhiều khả năng bị thiếu máu gây chóng mặt, nhức đầu và mệt mỏi.
Kinh nguyệt không đều
Những phụ nữ nhẹ cân có thể không có kinh nguyệt đều đặn hoặc ngừng lại khiến việc thụ thai gặp khó khăn, có thể gây vô sinh./.
Theo suckhoedoisong.vn