Ai là người có quyền quyết định trong công tác cán bộ?

Ngày 26-3-2016, phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Cứ vào đại hội, cứ chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm lại râm ran chuyện vận động, mời nhau ăn uống, cho tiền, tặng quà. Có cái gì “luồn” vào trong cái tình cảm ấy?”. Từ đó, Tổng Bí thư đề nghị hội nghị thẳng thắn thảo luận, nhìn thẳng vào sự thật xem những chuyện đó có hay không, mức độ thế nào để cho rõ ràng với hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: “Nếu có (chuyện chạy) thì phải sửa, phải rút kinh nghiệm. Nếu không có thì phải trả lời cho sòng phẳng. Ai chạy? Chạy ai? Đằng sau nó là cái gì? Có khi biết mà không nói ra được hay là không dám nói?”.

Khi chức vụ được xem như hàng hóa, nó sẽ tồn tại theo quy luật của thị trường, tức là có cung ắt sẽ có cầu và ngược lại. Trong chuỗi “cung-cầu” này, nguồn cung chính là người có thể “chạy”. Từ đó có thể “khoanh vùng” trả lời cho câu hỏi “Ai chạy? Chạy ai?” như sau: “Chạy ai” thì phải chạy người có quyền quyết định trong công tác cán bộ. Hiện nay, người có quyền quyết định trong công tác cán bộ của bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền của chúng ta, về mặt chung là ban chấp hành, nhưng thực chất quyền lực là do ban thường vụ. Nhưng ban thường vụ cũng chưa phải là cuối cùng, chốt lại là phải “chạy” người đứng đầu, tức là đồng chí bí thư. Người đứng đầu có thể quyết định được tới 95%. Bởi vì bí thư là người chủ trì.

Chủ trì tức là có quyền đề xuất nhân sự. Thứ hai là bí thư có quyền đi vận động. Thứ ba là bí thư có quyền quyết định thời điểm. Một ban thường vụ của một tỉnh ủy, huyện uỷ, cơ quan biết nhau hết, cho nên nhân sự của bí thư đưa ra là “chúng em ủng hộ thôi”. Tóm lại, chạy ai thì phải chạy người có quyền quyết định. Còn ai chạy thì đó là người có nhu cầu. Đó là những phần tử cơ hội, ngoài ra cũng có những người không cơ hội tí nào, nhưng họ có nhu cầu, họ muốn cống hiến, thậm chí có những anh cảm thấy mình có đủ năng lực, đủ tiêu chuẩn đấy, nhưng bây giờ cả làng chạy, mình không chạy cũng không yên tâm.

Chính vì lẽ đó, muốn chống “chạy chức, chạy quyền” thì phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng đa chiều. Đó là kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát bên trong của tổ chức kết hợp với kiểm soát bên ngoài của nhân dân, xã hội; kiểm soát của bên trên đối với bên dưới kết hợp với kiểm soát của bên dưới đối với bên trên; kiểm soát trong Đảng đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị, trong mọi tổ chức của xã hội.

Trong đó, cần chú trọng kiểm soát quyền lực của bí thư, cấp ủy, thường trực cấp ủy; không để người đứng đầu trở thành phao cứu sinh, là điểm đến của những kẻ muốn mua quan. Một giải pháp rất cần thiết nữa để kiểm soát quyền lực là phải đổi mới cơ quan kiểm tra Đảng và Thanh tra Nhà nước để thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng. Theo đó, phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát độc lập và tăng quyền. Hiện nay, ở nước ta, ủy ban kiểm tra do cấp ủy bầu ra, nhân sự ủy viên ủy ban do cấp ủy thông qua, rồi ủy ban kiểm tra lại kiểm tra lại cấp ủy thì tính khách quan sẽ như thế nào? Nghiên cứu chuyển cơ quan thanh tra sang trực thuộc Quốc hội, Hội đồng nhân dân để có tính độc lập và phát huy được vai trò kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu cơ quan hành chính.

 Cán bộ, đảng viên huyện Mù Cang Chải cùng người dân đổ bê tông đường giao thông nông thôn ở bản Dào Xa, xã Lao Chải. Ảnh: qdnd.vn

Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 “về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” của Bộ Chính trị khóa XIII; Quy định số 69-QÐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị khóa XIII và nhiều quy định khác liên quan đến công tác cán bộ bằng một số giải pháp sau: Siết chặt quy trình, quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo hướng gắn trách nhiệm cụ thể của người đề cử cán bộ và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm cán bộ. Chẳng hạn, nếu phát hiện cán bộ có sai phạm nghiêm trọng trước khi được đề cử và trong 5 năm đầu kể từ khi được bổ nhiệm thì người đề cử và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm cán bộ đó cũng bị xem xét xử lý kỷ luật nhằm tránh tình trạng núp bóng tập thể cấp ủy để “nâng đỡ không trong sáng”.

Thực hiện ngay việc công khai danh sách cán bộ từ quy hoạch đến đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển để quần chúng biết và cùng giám sát. Kiên quyết đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo nguyên tắc lấy phẩm chất, tư cách và hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu; chuyển từ đánh giá định tính sang định lượng bằng hình thức chấm điểm trên từng nội dung. Nghiên cứu ban hành cơ chế lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý mỗi năm một lần ở trong cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể cơ quan, đơn vị. Như vậy, nếu cán bộ, đảng viên không xứng đáng sẽ sớm bị loại và có muốn “mua chức” cũng không ai dám bán.

Từ khi có chính quyền cách mạng, đất nước ta đã tổ chức 15 kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và hàng chục lần bầu cử  đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đây thực chất là việc công nhận các hình thức vận động tranh cử của cán bộ, đảng viên. Việc cán bộ các cấp tiếp xúc cử tri trước bầu cử thể hiện rõ chiến lược vận động của từng cá nhân cụ thể; thuyết trình, bảo vệ các chương trình hành động trước cử tri và nhân dân.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, cần bám sát quan điểm, chủ trương, nguyên tắc của Đảng và pháp luật Nhà nước để nghiên cứu mở rộng các hình thức “vận động” tranh cử vào một số chức danh, vị trí nhất định trong bộ máy chính trị. Việc làm này cần tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp, vừa làm vừa tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, tránh tình trạng “quân xanh, quân đỏ”; cần thí điểm một số chức danh, vị trí… Ví dụ, với mỗi vị trí cán bộ cần bổ nhiệm, trên cơ sở quy hoạch cán bộ, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền hoặc thủ trưởng cấp trên trực tiếp giới thiệu hai ứng viên trở lên cùng trình bày chương trình hành động trong hội nghị cấp ủy và hội nghị cán bộ chủ trì trước khi bỏ phiếu tín nhiệm, đề cử để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, đánh giá khách quan hơn. Bên cạnh đó, việc tổ chức thi tuyển cán bộ cần được triển khai thống nhất theo lộ trình ở từng cấp đối với những chức vụ có thể thi tuyển.

Ba kinh nghiệm của Trung Quốc

Tại Trung Quốc, kinh nghiệm phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” nằm ở ba vấn đề mấu chốt: Kiện toàn hệ thống, bổ nhiệm chính xác và giải quyết sự tha hóa quyền lực. Muốn bổ nhiệm chính xác thì trước hết phải chọn người nắm quyền “chuẩn”, việc “chuẩn” này sẽ là tiền đề, cơ sở để hạn chế lạm quyền. Mấu chốt của việc tuyển chọn đúng người là nắm bắt đúng tiêu chuẩn dùng người, tiêu chuẩn này quyết định quyền lực có thực sự nằm trong tay người có cả tài lẫn đức hay không. Bổ nhiệm một cách chuẩn mực, đúng nghĩa tức là phải làm đúng thủ tục và đúng phương pháp, thực hiện nghiêm túc chế độ tiến cử nhân sự dân chủ, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc cạnh tranh dân chủ công khai, công bằng.

Trong đó, dân chủ là cơ sở, tiền đề của việc lựa chọn ứng cử viên, là yếu tố then chốt để lựa chọn ứng cử viên phù hợp. Điều đó đòi hỏi khi lựa chọn cán bộ phải thật sự đạt được mong muốn nguyện vọng của người dân, để những người được bổ nhiệm nhận thức đầy đủ rằng quyền lực của mình là của dân, phải được sử dụng với mục đích là vì dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Cùng với việc bổ nhiệm chính xác, cũng cần phải kiện toàn hệ thống tước quyền sau khi được bổ nhiệm. Con người luôn có tính hai mặt, cho dù chế độ tuyển dụng được kiện toàn tốt, các khâu đánh giá kiểm tra rất chặt chẽ thì cũng khó tránh khỏi việc chọn phải những người không tương xứng với chức vụ, hoặc lúc được bổ nhiệm đều đáp ứng yêu cầu nhưng sau đó bị tha hóa. Điều này xảy ra rất nhiều trong xã hội thực, đòi hỏi phải thiết lập một hệ thống tước quyền sau khi bổ nhiệm. Quyền lực trong tay những kẻ lạm quyền có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào, để cho quyền lực đó ở bất kỳ khâu hay quá trình nào đều phải được nằm trong tay những người được đảng và nhân dân tin tưởng.

Hai là, làm tốt cơ chế phân quyền, tăng cường giám sát quyền lực, tránh tập trung quyền lực quá mức. Có hai nguyên nhân dẫn đến tập trung quyền lực: Một là nguyên nhân thể chế, hai là nguyên nhân đến từ bản thân người cầm quyền. Về mặt thể chế, ranh giới của các quyền lực không rõ ràng, trong khi thực hiện quyền hạn của mình có sự độc quyền, không muốn bị can thiệp, chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của mình, phát huy hết quyền lực cá nhân, từ đó có thể dẫn đến lợi dụng chức quyền để trục lợi. Vì vậy, cần thông qua việc phân tách và điều chỉnh các quyền hạn, làm cho các phạm vi quyền hạn phải ở trong một mức độ hợp lý, ranh giới của các yếu tố cấu thành quyền hạn cần phải rõ ràng, đồng thời có thể kiểm soát, khống chế và giám sát lẫn nhau. Cần xây dựng quy trình vận hành quyền lực một cách khoa học và chi tiết nhằm thu hẹp độ giãn trong quá trình thực thi chức quyền, tránh để độ giãn quá lớn dẫn đến tạo kẽ hở cho lạm quyền.

Thứ ba, trong quá trình thực thi quyền lực của mình phải công khai và chịu sự giám sát của nhân dân. Quá trình thực thi quyền lực thực chất là quá trình ra quyết định. Tính công bằng, chuẩn mực, đúng đắn của việc ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của việc thực thi quyền lực. Chỉ khi việc ra quyết định bảo đảm tính minh bạch thì nhân dân mới nhìn thấy được một chính sách “sạch”, có như vậy thì cũng mới “kêu gọi” được tính tự giác của nhân dân trong chấp hành chính sách, bảo đảm cho việc thực hiện tốt và đúng những mục tiêu của chính sách đề ra, mới có thể tránh được cơ hội lạm quyền. Chỉ khi quá trình ra quyết định được công khai mới bảo đảm quyền lực không bị tha hóa. Quyền lực khi mất đi sự giám sát của người dân, đó chính là sự tập quyền và chuyên quyền xa rời quần chúng, tất yếu sẽ dẫn đến lạm quyền, điều này đòi hỏi những gì “không phù hợp để công khai” đều phải công khai cho người dân biết. Chẳng hạn như công khai trong tuyển chọn và bổ nhiệm, công khai trong công tác chính quyền, công khai trong công tác công an, tài chính, thanh tra, xét xử… Bằng cách tăng cường minh bạch, quá trình thực thi các loại quyền lực khác nhau sẽ được đưa ra trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, từ đó mới có thể thực thi quyền lực đúng đắn và từ đó cũng mới ngăn chặn tốt được việc lạm dụng chức quyền.

Định giá, biến chức vụ trở thành hàng hóa dù chỉ là hiện tượng, được dư luận bàn tán nhưng rất đáng báo động, cần phải đánh giá, nhìn nhận đầy đủ, nghiêm túc. Nó là mầm mống sinh ra tệ “chạy chức, chạy quyền”, tham nhũng, tiêu cực và đủ mọi loại thói hư tật xấu; làm rệu rã đội ngũ cán bộ, băng hoại đạo đức xã hội, dần làm mất vai trò của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN
 
 *Mời bạn đọc vào chuyên mục Phòng, chống diễn biến hòa bình xem các tin, bài liên quan.