Chiều ngày 25/7, tại thành phố Tân An, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 2021 – 2023 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025; đồng thời xem xét, giải quyết một số kiến nghị để tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An; kiểm tra công tác thi công dự án đường vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Long An; thăm gia đình chính sách và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An.
Vị trí chiến lược với nhiều tiềm năng, thế mạnh
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An thể hiện quyết tâm cao, tư duy đột phá, năng động sáng tạo, xác định rõ mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL và phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, định hướng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững.
Long An có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ giao thoa giữa vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ; có 133 km đường biên giới với Campuchia và có sự lan tỏa phát triển công nghiệp, đô thị của TPHCM.
Long An hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh, giao thương thuận lợi với các tuyến đường bộ và đường thủy, gần các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành. Tỉnh là điểm sáng về thu hút đầu tư FDI; nền tảng công nghiệp phát triển với chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỉ trọng trên 90%). Tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển du lịch (đặc thù sông nước, sinh thái Đồng Tháp Mười, truyền thống văn hóa, lịch sử…). Long An là trung tâm đầu mối về kinh tế nông nghiệp của Vùng; đồng thời có lợi thế so sánh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là logistics.
Với nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng (dân số trên 1,7 triệu người, thứ 16/63); Long An xác định đào tạo nhân lực là một chương trình đột phá. Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi với thứ hạng cao về cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh.
Hướng tới nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất nước
Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An đạt mức khá cao, GRDP năm 2022 tăng 8,46% (xếp thứ 6/13 trong vùng ĐBSCL, 39/63 cả nước), trong 6 tháng năm 2023 ước tăng 3,43%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (trong 6 tháng 2023, khu vực nông nghiệp chiếm 16,41%; công nghiệp, xây dựng 50,92%; dịch vụ 27,13% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp 5,54%). Quy mô kinh tế năm 2022 xếp thứ 1/13 địa phương trong Vùng và 12/63 cả nước; GRDP bình quân đạt 90,2 triệu đồng/người.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tăng trưởng tốt. Sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 9,32%, 6 tháng năm 2023 tăng 3,38%. Nông nghiệp tăng trưởng cao theo hướng chất lượng, hiệu quả (bình quân 2021-2022 đạt 2,46%/năm, 6 tháng năm 2023 đạt 3,71%). Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, hình thành liên kết tiêu thụ, phân phối (tăng 8,19%/năm). Thu ngân sách nhà nước tăng trưởng khá; hệ thống tín dụng ngân hàng cơ bản đáp ứng yêu cầu; nợ xấu thấp (0,69% dư nợ).
Công tác quy hoạch được chú trọng (tỉnh đã được phê duyệt Quy hoạch). Các dự án giao thông trọng điểm được đẩy mạnh; giải ngân vốn đầu tư công đạt cao (6 tháng năm 2023 đạt 46,69%, xếp thứ 3/63 cả nước).
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh (năm 2022 chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 10/63, cải cách hành chính xếp thứ 8/63); chuyển đổi số xếp thứ 11/63). Tăng cường đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, triển khai các dự án.
Tỉnh đạt nhiều kết quả tốt trong thu hút nguồn lực đầu tư (huy động vốn đầu tư xã hội 2021-2022 đạt 81,6 nghìn tỷ đồng, năm 2022 tăng 19%). Toàn tỉnh có trên 16 nghìn doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 362,5 nghìn tỷ đồng; có 1.191 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 10,4 tỷ USD.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội, đời sống người dân được bảo đảm; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh (138/188 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 22/27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị). Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; làm tốt công tác đối ngoại, nhất là với Campuchia.
Các đại biểu cho rằng, với nhiều tiềm năng, thế mạnh và những động lực mới, Long An cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu là một trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam; là cửa ngõ kết nối thông suốt, hiệu quả giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL; nằm trong nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất nước, dựa trên nền tảng phát triển xanh, tự động hóa và công nghệ đổi mới sáng tạo; đồng thời xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện; môi trường sống trong lành, thân thiện, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Long An đang đứng trước nhiều cơ hội, cần sáng suốt lựa chọn được những ưu tiên phù hợp với xu thế thời đại để có thể phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.
Thực hiện hiệu quả chiến lược trọng tâm để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận buổi làm việc Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương biểu nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Long An đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH thời gian qua, đã góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Thủ tướng đã phân tích tiềm năng thế mạnh và những tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức và bài học kinh nghiệm, trong thời gian tới Thủ tướng chỉ rõ, Với nhiều tiềm năng, thế mạnh và những động lực mới, Long An cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu là một trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; là cửa ngõ kết nối thông suốt, hiệu quả giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL.
Về định hướng phát triển của Long An Thủ tướng chỉ rõ, Long An cần thực hiện hiệu quả chiến lược trọng tâm để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Long An dựa trên các trụ cột là Nông nghiệp sinh thái là trọng tâm; Công nghiệp xanh, công nghệ cao, chế biến chế tạo, năng lượng là đột phá; Dịch vụ là bệ đỡ, đưa Long An trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực; Thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao; Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, đô thị đồng bộ, hiện đại.
Đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; kết nối hiệu quả với trung tâm kinh tế TPHCM và vùng Đông Nam Bộ; khai thác tốt lợi thế đầu mối kết nối với Campuchia; Phát huy nguồn lực về con người, truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng; trong đó chú trọng khai thác tốt thị trường nội địa và thị trường quốc tế; quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Triển khai hiệu quả Quy hoạch Tỉnh, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực mới. Tổ chức không gian phát triển theo mô hình “Một trung tâm – Hai hành lang kinh tế – Ba vùng kinh tế xã hội – Sáu trục động lực”. Chủ động, tích cực tham gia hoạt động liên kết vùng ĐBSCL, với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ.
Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hình thức PPP; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả. Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiệu quả. Phát triển hệ thống đô thị hài hòa, tổ chức lại các khu dân cư. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội; Phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.