Đây là mức điểm để các trường làm căn cứ nhận hồ sơ, cũng là kênh thông tin để thí sinh tham khảo trong quá trình lựa chọn, quyết định nguyện vọng để đăng ký dự tuyển.
Thực tế thông qua việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển tại các trường trên địa bàn Hà Nội cho thấy, không ít thí sinh vẫn nhầm lẫn, chưa hiểu rõ khái niệm “điểm sàn” và điểm chuẩn. Thí sinh cần phân biệt rõ hai khái niệm này, tránh nhầm lẫn để ảnh hưởng đến việc đăng ký nguyện vọng.
Theo đó, điểm sàn là ngưỡng điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để các trường đại học lấy làm cơ sở nhận hồ sơ xét tuyển, đây chưa phải là điểm trúng tuyển. Còn điểm chuẩn là mức điểm thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển.
Điểm chuẩn được các trường xác định bằng việc lấy điểm từ trên cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, vì thế, điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn.
Thời điểm này, các trường mới chỉ thông báo điểm sàn, sau khi thí sinh đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí và hệ thống hoàn thành việc lọc ảo thì mới đến bước công bố điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường công bố kết quả trúng tuyển vào ngày 22-8.
Hạn cuối đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023 lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn) là 17h ngày 30-7. Đây là thời gian rất quan trọng, thí sinh cần thận trọng rà soát, thậm chí điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo thí sinh không nên thấy các trường có “điểm sàn” thấp mà nghĩ rằng điểm chuẩn cũng thấp. Thí sinh nên xem lại điểm chuẩn trong khoảng ba năm gần đây của các ngành mình đăng ký và lưu ý đến chỉ tiêu năm nay, nếu chỉ tiêu thấp mà số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển cao thì điểm chuẩn sẽ tăng mạnh. Vì vậy, cần có phương án dự phòng bằng việc thêm nguyện vọng ở ngành tương tự nhưng ở nhóm cạnh tranh thấp hơn…
Tại Hà Nội, một số trường đại học có mức điểm sàn khá cao. Mức điểm sàn cao nhất đến thời điểm này là Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, với cùng mức điểm sàn là 23,5 điểm.
Tiếp theo sau là Học viện Ngoại giao có mức điểm sàn từ 21-23 điểm; Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) từ 21-22 điểm; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 18,5-21 điểm; Trường Đại học Thủy lợi từ 18-22 điểm; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 18,5-21 điểm; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 20 điểm; Trường Đại học Thương mại 20 điểm; Trường Đại học Thủ đô Hà Nội từ 15-19 điểm; Trường Đại học Giao thông Vận tải từ 17-22 điểm; Trường Đại học Công đoàn từ 15-18 điểm; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội 20 điểm; Trường Đại học Phenikaa từ 17-20 điểm; Trường Đại học Xây dựng Hà Nội từ 17-22 điểm; Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội 15 điểm; Trường Đại học Hà Nội 16 điểm; Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ 16-20 điểm…