Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian qua là sự gia tăng về nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đã tạo ra một lượng lớn rác sinh hoạt. Nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, lượng rác sinh hoạt này, đặc biệt là rác thải nhựa, sẽ trở thành một gánh nặng về môi trường nghiêm trọng.
Tại tỉnh Long An, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt thải đã được tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, tỉnh với sự hỗ trợ đồng hành của Dự án đã xây dựng Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho tỉnh Long An và thực hiện các hoạt động thí điểm từ năm 2018. Sau đó đã triển khai thí điểm ở khu vực đô thị, cụ thể là ở phường 3 thành phố Tân An với quy mô 4800 hộ từ năm 2020, và đã đạt được các kết quả rất tích cực.
Cụ thể, rác thải trên địa bàn đã được thu gom, vận chuyển và xử lý riêng. Hơn 85% người dân ủng hộ và tham gia tích cực phân loại rác tại nguồn. Qua đó đã giảm 30% – 40% lượng rác thải mang đi đốt/chôn lấp (là lượng rác hữu cơ được tách ra khỏi rác hỗn hợp để làm phân hữu cơ), góp phần nâng cao nhận thức của người dân về quản lý và thải bỏ rác thải, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí xử lý rác thải cho địa phương. Mô hình này hiện đang được mở rộng cho toàn thành phố Tân An.
Tiếp bước thành công của mô hình cho khu vực đô thị, Dự án phối hợp với UBND tỉnh Long An tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn và sản xuất phân hữu cơ cho khu vực nông thôn cho khoảng 3450 hộ gia đình ở trên toàn thị trấn Vĩnh Hưng và xã một phần xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng. Theo kế hoạch thí điểm, các hộ gia đình, nhà trọ, cơ sở sản xuất, trường học, nhà hàng, quán ăn,… sẽ phân loại rác thành 3 loại là rác thải thực phẩm, rác thải có khả năng tái chế và tái sử dụng và rác còn lại. Sau khi được phân loại, rác sẽ được thu gom, vận chuyển riêng về Nhà máy xử lý rác thải Vĩnh Hưng để sản xuất phân hữu cơ hoặc xử lý riêng theo quy định.
Ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An cho rằng: “Việc triển khai thực hiện Chương trình Thí điểm phân loại rác tại nguồn khu vực nông thôn, cụ thể là tại thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị là cơ hội để chúng ta khẳng định quyết tâm trong việc quản lý chất thải, đặc biệt là tái chế, thu hồi năng lượng từ rác thải. Từ kết quả Chương trình thí điểm này, UBND UBND huyện Vĩnh Hưng chủ động triển khai nhân rộng các xã còn lại trên địa bàn Huyện Vĩnh Hưng trong năm 2023. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đúc kết kinh nghiệm mô hình phân loại rác tại nguồn và thông báo cho UBND các huyện, thị xã trong tỉnh để đồng loạt triển khai trong thời gian tới”
Ông Võ Văn Bảo, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Trong thời gian qua, với sự phát triển kinh tế – xã hội, cùng với đó là sự gia tăng chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng tương đối lớn khoảng 22,5 tấn/ngày. Hiện nay trên địa bàn huyện có Nhà máy xử lý rác để phục vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên thời gian qua việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện nên rác được tập hợp tất cả về nhà máy gây quá tải cho việc xử lý và lượng rác phải đem chôn lấp là rất lớn và phát sinh chi phí rất lớn trong việc xử lý rác thải. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị trước khi nhân rộng trên địa bàn trong toàn huyện”
Cũng theo kế hoạch thí điểm, WWF-Việt Nam thông qua Dự án “Quản lý rác thải ở đồng bằng sông Cửu Long” sẽ hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ cho việc thí điểm bao gồm 3.450 thùng rác hộ gia đình, 200 thùng ủ compost hộ gia đình, 3 thùng ủ compost cộng đồng công suất lớn 3000L kèm theo nhà bảo vệ và đường điện vận hành, 157 thùng rác công cộng, 16 xe đẩy tay, 2 xe tải thu gom rác và 1 dây chuyền sản xuất phân hữu cơ công suất 5 tấn/ngày.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc chương trình Giảm Nhựa, WWF-Việt Nam nhấn mạnh: “Rác sinh hoạt nếu không phân loại mà được gộp chung thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý. Việc triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn tại huyện Vĩnh Hưng là một trong những bước tiến quan trọng trong hành trình bảo vệ môi trường trên địa bàn, cũng như gia tăng vòng đời của các vật liệu có giá trị tái chế cao như nhựa. Với sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của tất cả mọi người, tôi tin rằng Mô hình thí điểm sẽ đạt được thành công làm cơ sở nhân rộng cho các khu vực nông thôn khác của tỉnh Long An nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung – hướng đến một mục tiêu không còn rác nhựa trong thiên nhiên trong một tương lai không xa.”