Tháng 7, Nhã Nam phát hành bộ 3 cuốn Lịch sử triết học phương Tây của tác giả Bertrand Russell, gồm: Triết học cổ đại, Triết học Công giáo và Triết học hiện đại.
Với Lịch sử triết học phương Tây, Bertrand Russell đã mang triết học – khô khan và viển vông như nhiều người lầm tưởng – đến gần với đại chúng.
Tác giả đã khai sáng và đặt nền móng cho triết học phân tích Anh – Mỹ trong thế kỷ 20. Theo ông, triết học là “công cuộc nghiên cứu và thậm chí là đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi hấp dẫn mọi đầu óc tư biện nhất”.
Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1945, Lịch sử triết học phương Tây đã được công chúng và giới phê bình công nhận là một tác phẩm “rất hay, hóm hỉnh, rõ ràng, sáng suốt và có uy quyền” (A.C Grayling).
Bộ ba cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn đến sự triển khai của rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau trải dài qua các thời đại.
Ở Triết học cổ đại, Bertrand Russell khám phá hệ tư tưởng của những triết gia tiền Socrates (bao gồm Thales, Pythagoras, Heraclitus,…); Socrates, Platon và Aristotle; triết học cổ đại sau Aristotle (bao gồm cả những nhà yếm thế và hoài nghi, sử thi, khắc kỷ,…).
Tập 2 – Triết học Công giáo bao gồm những phát triển trong triết học Do Thái, Hồi giáo, St Ambrose, St Jerome, St Augustine, St Benedict và Giáo hoàng Gregory Đại đế…
Cuối cùng, Triết học hiện đại khởi đi từ thời Phục Hưng đến Hume và từ Rousseau đến ngày nay. Chương cuối cùng trong phần này liên quan đến các quan điểm triết học của chính Russell vào thời điểm đó.
Được viết bởi một trong những người có đóng góp to lớn cho triết học và logic, Lịch sử triết học phương Tây được nhận xét “dễ đọc, rất thú vị, đầy tính hướng dẫn, ai cũng nên có, từ sinh viên đến những người muốn tìm hiểu và nghiên cứu về triết học”.
Triết gia Willard Van Orman Quine (Đại học Harvard) từng nhận định: “Nhiều người trong chúng ta bị hút vào nghề triết bởi tác phẩm của Bertrand Russell.
Ông viết một loạt sách cho công chúng, từ chuyên gia đến những người ham hiểu biết. Chúng ta bị quyến rũ bởi trí tuệ và cách diễn giải trong sáng về những vấn đề trọng tâm của hiện thực”.
Bertrand Russell (1872-1970), là triết gia, sử gia, nhà phê bình xã hội, nhà hoạt động chính trị người Anh hàng đầu của thế kỷ 20.
Được bổ nhiệm giáo sư Đại học Trinity (trực thuộc Đại học Cambridge), ông phải từ chức vào năm 1916 vì những tư tưởng hòa bình. Tuy nhiên điều đó không ngăn cản ông dành cả đời cho những hoạt động không mệt mỏi chống chiến tranh.
Năm 1955, giữa cao trào của Chiến tranh lạnh, ông soạn thảo Tuyên ngôn Russell – Einstein nổi tiếng, là tiền đề cho các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân sau này.
Với những tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đề cao giá trị nhân đạo và sự tự do tư tưởng, cũng như với công trình để đời Lịch sử triết học phương Tây, Bertrand Russell được trao giải Nobel Văn học năm 1950.