Nửa số phòng không có người thuê
Khu đất nhà bà Hoắc Thị Nguyệt (ở xã Quang Châu, Bắc Giang) khá gần với các nhà máy, xí nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp đóng trên địa bàn. Nắm bắt nhu cầu thuê trọ của người lao động xa quê, vợ chồng bà Nguyệt đã xây dựng khu nhà trọ với 10 phòng cách đây chục năm.
Khi khu công nghiệp Quang Châu ngày càng nở rộ, thu hút đông đảo công nhân, gia đình bà Nguyệt quyết “làm ăn lớn”, vay tiền ngân hàng để mở rộng quy mô gấp 15 lần. 150 phòng trọ của khu nhà 5 tầng được đầu tư với chi phí xây dựng lên đến 5 tỷ đồng.
Bà Nguyệt cho biết: “Thời điểm trước dịch Covid-19 rất ít phòng trống. Cứ có công nhân chuyển đi, lại có công nhân khác đến thuê nối vào ngay”.
Khi đó, trừ các chi phí, tiền trả lãi ngân hàng, gia đình bà cũng để ra được đôi chục triệu đồng mỗi tháng. Hoạt động cho thuê trọ đang ổn định thì dịch Covid-19 bùng phát gây ra rất nhiều xáo trộn.
“Đến nay chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Công nhân chỉ thuê một nửa số phòng chúng tôi có. Khu trọ hiện còn rất nhiều phòng trống”, bà Nguyệt nói.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì tình trạng giảm đơn hàng, sản xuất đình trệ, công nhân ít việc. Không ít người lao động phải di chuyển, tìm đến khu vực nhiều việc hơn để có thể trang trải cuộc sống ở nơi đất khách quê người.
Những ngày qua, bà Nguyệt liên tục kiểm kê phòng trước khi công nhân trả. Nhiều người không thể trụ lại nên phải dọn dẹp, chuyển đi nơi khác tìm việc hoặc về quê.
Gia đình bà thường xuyên nghe ngóng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Một công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn đang tuyển dụng nhiều vị trí, bà Nguyệt mừng thầm. Song khu vực nhà trọ của bà cách đó khá xa nên chưa nhiều người đến thuê.
Ngoài treo biển cho thuê trọ, bà còn đăng tải thông tin về nhà trọ trên nhiều hội nhóm để thu hút thêm công nhân. Đó là cách để bà có thêm tiền thuê trọ, trang trải cuộc sống cũng như “gánh” khoản lãi, nợ ngân hàng rất lớn.
Hàng chục nghìn lao động bị giảm thu nhập
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, đến tháng 6, trên địa bàn tỉnh có 87 doanh nghiệp (chiếm 1,2% số doanh nghiệp đang hoạt động) phải cắt, giảm lao động, khiến trên 26.500 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.
Trong số đó, trên 17.000 lao động phải thôi việc, chấm dứt hợp đồng; hơn 2.200 lao động phải ngừng việc, nghỉ việc không lương; 862 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động và trên 6.200 lao động bị giảm giờ làm.
Số lao động mất việc, giảm việc làm chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may bị thiếu hoặc bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm lao động hoặc cho công nhân nghỉ luân phiên.
Hiện toàn tỉnh có trên 285.300 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Thời gian qua, bên cạnh các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã tuyển dụng trên 25.000 lao động. Dự kiến 6 tháng cuối năm, địa phương có nhu cầu tuyển dụng khoảng 60.000 lao động.
Thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng việc làm, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang thường xuyên theo dõi, thông tin kịp thời, báo cáo tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, giảm lao động, giảm giờ làm, tạm ngừng hoạt động.
Từ đó, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, việc sử dụng lao động và chi trả chế độ theo quy định của pháp luật đối với người lao động.
Đồng thời, ngành chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và 20 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển đủ lao động theo nhu cầu phát triển sản xuất.