Bác Khanh – chúng tôi vẫn gọi với tên thân thương, gần gũi như vậy. Bác tên đầy đủ là Trần Thị Khanh, sinh năm 1923 tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Cuối những năm 1930, bác cùng gia đình theo ông nội tôi từ Lào Cai trở về quê sinh sống tại quê hương xóm Nam Long, nay là xóm 4, xã Xuân Trung (Xuân Trường).
Năm 2015, tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam được khánh thành dựa theo nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Internet |
Xuất thân trong một gia đình, dòng họ gia giáo, có truyền thống yêu nước và cách mạng, có nhiều công lao đóng góp với quê hương, đất nước. Lúc còn nhỏ, bác được học chữ, học lễ giáo nên bác có những phẩm hạnh của một người phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ. Theo bà nội tôi và các cụ trong gia đình kể lại, khi còn nhỏ bác rất khó nuôi đến tận 6 tuổi mới biết nói, khi lớn lên bác là một người xinh đẹp, nết na, giỏi giang. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), cùng nhiều thanh niên của quê hương có tấm lòng nhiệt huyết, bác đã sớm tham gia phong trào Hội Phụ nữ cứu quốc và buôn bán tạp hóa tại địa phương để ủng hộ cách mạng. Thời gian này, bác đã gặp và có tình cảm với ông Đoàn Trần Phong, tức Trần Hữu Đạo (con trai thứ của cụ Hương Chu cùng làng) cũng là một gia đình nhà nho, gia giáo có tiếng trong vùng rất môn đăng hộ đối.
Theo các tài liệu về lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng bộ tỉnh Nam Định, huyện Xuân Trường còn ghi: “Đồng chí Đoàn Trần Phong sớm được giác ngộ cách mạng, tham gia Việt minh rồi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, là người tích cực tuyên truyền cách mạng, kéo cờ diễn thuyết hô hào đánh Pháp đuổi Nhật tại vùng địch chiếm đóng phía nam thành phố Nam Định, là người trực tiếp mang lệnh tổng khởi nghĩa từ Nam Định về Lạc Quần, cùng tổ chức Đảng của các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí là chính trị viên Tiểu đoàn 69 thuộc Trung đoàn 34 Tất Thắng chiến đấu tại thành phố Nam Định. Năm 1949, đồng chí được điều động lên Chiến khu Việt Bắc, giữ chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 174 Cao – Bắc – Lạng. Năm 1950, đồng chí Đoàn Trần Phong đã cùng Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, Chính trị viên Trung đoàn Chu Huy Mân trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Biên giới đánh đuổi 2 vạn quân Tưởng, bắt sống 9 sư trưởng, quân đoàn trưởng và thu toàn bộ vũ khí. Đồng chí Đoàn Trần Phong đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh quyết liệt với kẻ thù tại bản Nà Giàng, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Nhiều năm sau gia đình tôi mới tìm đến nơi bác Đoàn Trần Phong hy sinh và biết nhân dân trong bản đã chôn cất, thờ cúng và suy tôn bác như thành hoàng của bản làng.
Năm 1949, hai bác cưới nhau và chung sống hạnh phúc với nhau chỉ vẻn vẹn 3 ngày, bác Khanh đã lau nước mắt tiễn chồng của mình lên đường về với Chiến khu Việt Bắc và kể từ đó bác mãi mãi không gặp lại chồng thân yêu của mình, hai bác cũng chưa kịp có với nhau một người con.
Năm 1957, bác Khanh rời quê hương lên thành phố Nam Định, tham gia vào hợp tác xã đan len, sinh sống cùng gia đình các em gái của mình. Kể từ đó, bác luôn dành hết tình yêu thương và tận tình chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ các cháu… Bác luôn coi các cháu như những đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra. Bác thường xuyên giáo dục dạy bảo các cháu, cần cù trong lao động, sản xuất, chịu khó trong học tập, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, khiêm tốn, kính trọng với mọi người để chăm lo, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Tất cả những người cháu mà bác đã có công nuôi dưỡng, dạy dỗ đều thành đạt ở nhiều góc độ khác nhau, tất cả đều có gia đình hạnh phúc, sống nhân hậu, con cái chăm ngoan học giỏi, trong đó có những người đã trở thành những sĩ quan cao cấp quân đội, những cán bộ cấp cao của Trung ương; trong đó có Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội.
Gần cả cuộc đời bác không nhà cửa, không tài sản, không tiền bạc, bác sống nhờ chút tiền trợ cấp ít ỏi theo chế độ gia đình liệt sĩ. Bác tần tảo sớm hôm lo toan cuộc sống và sống một cuộc đời bình lặng, giản dị. Hành trang suốt cả cuộc đời của bác là chiếc túi xách màu đen cũ kĩ được khâu vá cẩn thận. Trong đó, có hai thứ quý giá nhất bác luôn trân trọng đó là: Tấm giấy báo tử đã thấm đẫm nước mắt và một chiếc đồng hồ đeo tay không còn nguyên vẹn – kỷ vật duy nhất của chồng để lại.
Nhờ sự quan tâm của các đồng đội chiến đấu của bác trai năm xưa, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Lê Thượng Hiền, Trung tướng Đỗ Mạnh Đạo và đặc biệt là sự giúp đỡ của bác Trần Việt Tường người vừa là em rể vừa là đồng đội của bác Phong, năm 1992, Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Nam Ninh đã tặng bác ngôi nhà tình nghĩa ở Khu gia đình Quân nhân.
Lúc sống ở quê hương cũng như khi sinh sống tại thành phố Nam Định, dù ở Xuân Trung; Ngõ 40 Hàng Cau; Khu gia đình Quân nhân hay cuối đời là Khu đô thị Thống Nhất, bác cũng luôn là người có lòng nhân hậu, đức độ có tình, sống giản dị, có nghĩa, có tình với họ hàng, bà con, khối phố, với anh em con cháu. Những năm tháng an hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc lúc tuổi già, bác được con cháu phụng dưỡng, báo đáp công ơn dưỡng dục.
Ngày 17-10-2022 (tức ngày 22-9 năm Nhâm Dần), bác Trần Thị Khanh đã thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi 100. Dẫu biết rằng, sự ra đi của bác là thuận theo tự nhiên, thuận theo quy luật, nhưng đó là nỗi mất mát không gì bù đắp được đối với chúng tôi, là sự hụt hẫng, trống vắng trong gia đình và niềm tiếc thương vô hạn cho con cháu, cùng anh em, họ hàng, bạn bè, bà con xóm làng, dân phố. Cả cuộc đời bác đã chịu mất mát lớn lao, âm thầm chịu đựng nỗi đau mất chồng, không một lần được làm mẹ theo đúng nghĩa, chưa một lần được nghe tiếng gọi “Mẹ” thiêng liêng. Nhưng sự trưởng thành của những người cháu mà bác hết lòng yêu thương chăm sóc như con đẻ, là niềm động viên, là nguồn sống của Mẹ suốt cả cuộc đời. Khi bác mất đi rồi, chúng tôi mới cảm nhận được sự hụt hẫng, trống vắng và từ đáy lòng mình mới thốt lên trong nước mắt hai tiếng “Mẹ ơi!”.
Lễ tang của Mẹ được tổ chức ấm cúng, giản đơn như cuộc đời của Mẹ. Mặc dù không thông báo rộng rãi nhưng đã có gần 300 đoàn của các tổ chức, cá nhân, họ hàng, con cháu, người thân, bạn bè và bà con quê hương, xóm phố đã đến viếng, gửi vòng hoa viếng, chia buồn với anh em chúng tôi và tiễn đưa “Mẹ” về nơi an nghỉ cuối cùng, trong đó có vòng hoa của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Hôm đưa mẹ về với cha, hàng trăm người rơi nước mắt và trời dường như cũng thấu lòng người bất chợt đổ mưa để tiễn đưa Mẹ trong sự ngưỡng mộ của tất cả mọi người về một tấm gương hy sinh trọn vẹn cho tình yêu cao đẹp, vì non sông, vì đất nước./.
Nam Định, ngày 19 tháng 10 năm 2022
Minh Hoan