Để tạo đà chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, gia tăng hiệu quả và giá trị, thời gian qua, TX Đông Triều thúc đẩy phát triển và mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; từng bước sản xuất nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao và bảo vệ môi trường.
Mô hình lúa – rươi là một trong những mô hình canh tác hữu cơ cho hiệu quả cao trên địa bàn TX Đông Triều. Với mô hình này, cây lúa được canh tác trên các đồng bãi ven sông, vốn là nơi sinh sống của con rươi, con cáy. Trong quá trình thực hiện mô hình lúa – rươi, bà con tuyệt đối không sử dụng hóa chất (phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật gốc hóa học…) mà chỉ sử dụng chất hữu cơ. Từ đặc thù sinh học riêng của con rươi và cây lúa, khi cùng canh tác 2 đối tượng này đã bổ trợ cho nhau, trong đó việc cải tạo đất, chăm sóc và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa đã tạo ra nơi trú ẩn lý tưởng cùng nguồn thức ăn dồi dào cho con rươi phát triển. Ngược lại, con rươi xử lý các chất thải hữu cơ trong đất, nước để tạo ra phân bón hữu cơ giúp cây lúa khỏe mạnh, chống chọi lại dịch bệnh và đạt năng suất, chất lượng cao. Bà Nguyễn Thị Chúc (phường Xuân Sơn, TX Đông Triều) chia sẻ: Với mô hình lúa – rươi, gia đình tôi đang áp dụng với 4 sào ruộng và cho hiệu quả tốt. Nhờ việc canh tác tự nhiên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên môi trường cũng được đảm bảo; rươi thu hoạch các năm cho sản lượng và chất lượng tốt, giúp gia đình có nguồn thu ổn định.
Cùng với mô hình lúa – rươi, những năm gần đây việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng an toàn dần được bà con nông dân TX Đông Triều tích cực triển khai trên mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Tại các xã Việt Dân, An Sinh… các hộ trồng na theo hướng VietGAP đã được Hội Nông dân hỗ trợ tư vấn rất kỹ về quy trình các khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, theo dõi, ghi chép hằng ngày để làm cơ sở đánh giá kết quả cuối cùng. Mỗi quả na khi bán được dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tạo nên hình ảnh chuyên nghiệp cho nông sản khi đến tay người tiêu dùng với nhu cầu ngày càng cao hơn về đồ ăn tươi ngon, an toàn.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông sản khác của Đông Triều cũng được đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế. Điển hình: Trồng ổi VietGAP tại xã Hồng Thái Đông diện tích 20ha; vùng sản xuất nếp cái hoa vàng trên 1.000ha tại Yên Đức, Nguyễn Huệ, Hồng Phong, Hưng Đạo, Hoàng Quế; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại An Sinh, Bình Khê, Tràng Lương và 2 khu chăn nuôi tập trung tại xã Nguyễn Huệ, Bình Khê; vùng sản xuất rau tại Yên Thọ, Xuân Sơn; vùng trồng hoa, cây cảnh tại Bình Khê, Bình Dương, Hồng Phong…
Để nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, TX Đông Triều tích cực áp dụng các mô hình canh tác mới; hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân tham gia chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh phong trào “Vận động nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất hữu cơ và thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” của Hội Nông dân thị xã. Với vai trò chủ trì mô hình, Hội Nông dân thị xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, hội viên và nhân dân thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất theo hướng chuỗi sản xuất hữu cơ và thương mại điện tử. 6 tháng năm 2023, Hội Nông dân thị xã phối hợp tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền phổ biến cho trên 500 lượt hội viên, nông dân về quy định, chính sách của trung ương, tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…; tổ chức 4 lớp tập huấn cho gần 400 cán bộ hội viên, nông dân về sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh và các hóa chất; sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn và ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi cho nông dân…
TX Đông Triều tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn; thông tin về quy trình sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thị xã; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, nông dân tham gia thực hiện chỉ đạo, quản lý và trực tiếp sản xuất mô hình về quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ…