Đó là thông tin trong văn bản do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ký ngày 24.7, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo về việc sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi để phòng,chống dịch trên đàn lợn tại địa phương.
Theo Bộ NN-PTNT, từ sự hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là việc chuyển giao chủng giống virus sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi của các nhà khoa học Mỹ, Việt Nam đã sản xuất thành công 2 loại vắc xin, gồm: NAVET-ASFVAC (của Công ty cổ phần thuốc thú y T.Ư – NAVETCO) và AVAC ASF LIVE (của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam).
Trong đó, vắc xin AVAC ASF LIVE được tiêm cho lợn tại Philippines và trải qua quy trình đánh giá thận trọng. Cơ quan chức năng Philippines đã công nhận việc sử dụng vắc xin này an toàn. 100% lợn được tiêm đều có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể. Các cơ quan chức năng của Philippines đang thúc đẩy doanh nghiệp nước này hoàn tất thủ tục đăng ký nhập khẩu vắc xin dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam.
Đối với vắc xin NAVET-ASFVAC, theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp Dominica, Bộ NN-PTNT hỗ trợ, cử chuyên gia và phối hợp tổ chức tiêm phòng loại vắc xin này tại Dominica. Đến nay, Bộ Nông nghiệp Dominica đã có công thư cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tiến tới mua vắc xin này.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, tháng 4 và tháng 5 vừa qua, đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã có đánh giá độc lập dựa trên kết quả nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, cấp phép lưu hành và giám sát sử dụng vắc xin tại Việt Nam. Các chuyên gia của Mỹ khẳng định, kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam tương đồng với kết quả nghiên cứu tại Mỹ.
Công tác tổ chức đánh giá, kiểm soát chất lượng vắc xin dịch tả lợn châu Phi (vô trùng, an toàn và hiệu lực) của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vắc xin do các nhà khoa học xây dựng và đã được trình lên Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để xem xét, thông qua.
Ở trong nước, đến tháng 7 vừa qua, đã có hơn 650.000 liều 2 loại vắc xin nêu trên được kiểm soát chất lượng và sử dụng an toàn tại hơn 40 tỉnh, thành phố. Lợn tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỷ lệ lợn được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao đạt trên 95%.
Trong văn bản kể trên, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu việc sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi để phòng, chống dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng.
Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục giám sát chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng vắc xin khi cung ứng trên thị trường; có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng khắc phục rủi ro khi sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi.