Tỉnh ta có trên 668km đê, trong đó gồm 88,643km đê biển; 7,871km đê biển Cồn Xanh; 273,639km đê sông từ cấp I đến cấp III; 298km đê dưới cấp III. Do hệ thống công trình đê điều lớn, phân bố trên diện rộng, trải dài ở khắp các địa phương trong tỉnh nên công tác quản lý, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều gặp nhiều khó khăn nếu chỉ dựa vào lực lượng chức năng, chuyên trách. Thực hiện Luật Đê điều và Thông tư số 26/2009/TT-BNNPTNT ngày 11-5-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, nguồn kinh phí và chế độ thù lao đối với lực lượng quản lý đê nhân dân (QLĐND), ngày 14-10-2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2313/QĐ-UBND về việc thành lập lực lượng QLĐND thuộc địa bàn tỉnh Nam Định.
Lực lượng quản lý đê tuần tra trên tuyến đê biển thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Từ năm 2010, các huyện, thành phố đã thành lập lực lượng QLĐND và đến nay vẫn duy trì tổng số 178 người. Lực lượng QLĐND các địa phương có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng quản lý đê chuyên trách thường xuyên kiểm tra, tuần tra canh gác bảo vệ, phát hiện, báo cáo kịp thời tình trạng đê điều, các hư hỏng, sự cố đê thuộc địa bàn; lập biên bản và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và vận động nhân dân thực hiện. Bên cạnh đó, lực lượng QLĐND còn tham gia với các xã, thị trấn xây dựng phương án hộ đê, phòng chống lụt bão; tham gia quản lý và bảo vệ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê như: điếm canh đê, vật tư dự trữ chống lũ, bão; biển báo đê điều; cột chỉ giới, cây chắn sóng bảo vệ đê và các công trình phụ trợ khác. Tại nhiều địa phương, lực lượng QLĐND đã làm tốt nhiệm vụ được giao. Điển hình như lực lượng QLĐND các xã Tân Thịnh, Nam Hồng, Nam Dương, Nam Thanh, Nam Thắng và thị trấn Nam Giang (Nam Trực) thường xuyên kiểm tra và phát hiện vi phạm trên tuyến đê mình phụ trách để báo cáo cho lực lượng quản lý đê chuyên trách cùng phối hợp giải quyết và ngăn chặn. Lực lượng QLĐND các xã, thị trấn: Nghĩa Châu, Nghĩa Hải, Rạng Đông, Quỹ Nhất, Nghĩa Minh, Hoàng Nam, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) tích cực tuyên truyền pháp luật về đê điều cho người dân, đồng thời chủ động ngăn chặn vi phạm, tham mưu cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý. Lực lượng QLĐND thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã chủ động phối hợp với Hạt quản lý đê chuyên trách kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thuộc địa bàn, phát hiện sớm để báo cáo lên cấp trên các sự cố sạt lở cục bộ mái kè như ở Cồn Tròn, kè mỏ Hải Thịnh 2, kè Hải Thịnh 2, kè Hải Thịnh 3 trên tuyến đê biển. Tại huyện Giao Thủy, lực lượng QLĐND đã phát hiện sớm việc sạt lở ở khu vực đê bối Cồn Tư, xã Hồng Thuận trong các ngày từ 25 đến ngày 29-5 và 13 đến 17-6-2022; sạt lở, hư hỏng mái kè bê tông mép nước phía đông Khu du lịch biển Quất Lâm ngày 5 và 6-2-2023; tham mưu cho UBND các xã, thị trấn cùng các cơ quan xử lý khắc phục sự cố ngay từ giờ đầu…
Lực lượng chức năng tháo dỡ công trình vi phạm hành lang đê điều trên tuyến đê hữu sông Hồng đoạn qua thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn mười năm đi vào hoạt động, lực lượng QLĐND ở nhiều địa phương đã bộc lộ những tồn tại, bất cập. Theo báo cáo của huyện Ý Yên, hầu hết lực lượng QLĐND không chủ động thường xuyên kiểm tra đê điều, phát hiện vi phạm, liên hệ với chính quyền và cơ quan chuyên môn hoặc có nhưng chưa đều. Lực lượng QLĐND các xã Yên Bằng, Yên Khang, Yên Trị, Yên Nhân hoạt động kém hiệu quả, thiếu nhiệt tình, chưa kiên quyết, còn nể nang, né tránh trong công tác phát hiện, phối hợp xử lý các vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ đê điều. Nhân viên QLĐND các xã Yên Phúc, Yên Trị đã quá độ tuổi lao động nhưng chưa có lực lượng lao động trẻ để thay thế. Tại huyện Trực Ninh, ngoài các xã, thị trấn Cổ Lễ, Cát Thành, Trực Đại, Trực Cường hoạt động tốt thì lực lượng QLĐND các xã, thị trấn còn lại hoạt động chưa đạt hiệu quả, chưa thường xuyên, tự giác kiểm tra đê; hàng tháng không báo cáo công việc với Hạt quản lý đê; chỉ có mặt khi lực lượng chuyên trách phát hiện sự việc trên tuyến gọi đến. Năm 2021, các xã Trực Hùng, Trực Thanh không bố trí lực lượng QLĐND(?!).
Mặc dù lực lượng QLĐND các xã, thị trấn đã phối hợp với Hạt quản lý đê chuyên trách thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền, song nhiều địa phương vẫn còn để xảy ra vi phạm, nhất là tại các xã có khu dân cư sống bám dọc theo đê. Nguyên nhân là nhận thức của cấp uỷ, chính quyền ở một số xã, thị trấn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm về QLĐND chưa thật đầy đủ. Năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ của một số nhân viên QLĐND chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Một số nhân viên QLĐND chưa hiểu hết trách nhiệm và quyền hạn của mình, chưa nắm chắc các văn bản pháp luật về đê điều. Đa phần lực lượng QLĐND kiêm nhiệm nhiều việc nên việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra thực địa các tuyến đê không thường xuyên, liên tục. Tính chủ động trong công tác tham mưu với chính quyền xã và cơ quan quản lý cấp trên còn hạn chế. Công tác kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm Luật Đê điều; các hư hỏng, sự cố của công trình đê điều tại một số địa phương còn chưa kịp thời. Việc thu dọn vệ sinh cỏ rác, các vật cản trên mặt đê, kè và khơi tiêu thoát nước trên mặt đê… tại một số địa phương chưa được thực hiện, hoặc thực hiện nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Sự phối hợp giữa lực lượng QLĐND với lực lượng quản lý đê chuyên trách tại một số huyện chưa được chặt chẽ. Công tác báo cáo định kỳ cho Phòng NN và PTNT, các Hạt quản lý đê theo quy định còn chưa đi vào nền nếp.
Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của lực lượng QLĐND, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về chế độ ưu đãi cho lực lượng này, nhất là tại những địa bàn phức tạp, khó khăn. Các sở, ngành liên quan phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ; UBND các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Phòng NN và PTNT, Hạt quản lý đê quan tâm đôn đốc nhân viên QLĐND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuyển chọn nhân viên QLĐND là những người có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình trong công việc. Các huyện nên quy định cụ thể trách nhiệm hàng tháng, nhân viên QLĐND phải báo cáo Phòng NN và PTNT, Hạt quản lý đê về kết quả hoạt động của mình trên địa bàn được giao quản lý. Hàng quý Phòng NN và PTNT, Hạt quản lý đê tổ chức họp trao đổi kinh nghiệm bình xét đánh giá làm căn cứ để trả lương. Tiếp tục rà soát, củng cố kiện toàn về tổ chức đưa mọi hoạt động của lực lượng QLĐND đi vào nền nếp. Tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động của lực lượng QLĐND và có hình thức khen thưởng động viên những đơn vị, cá nhân làm tốt nhiệm vụ./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh