Trên địa bàn tỉnh hiện có 219 chủ thể sản xuất (54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ) tham gia chương trình OCOP; 565 sản phẩm OCOP (359 sản phẩm đạt từ 3-5 sao cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia…). Tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ, tuyên truyền tới các doanh nghiệp, HTX ứng dụng KHCN vào sản xuất.
Theo lãnh đạo Sở KH&CN, trên cơ sở các nội dung nhiệm vụ đã xác định, Sở chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường các nhiệm vụ ứng dụng KHCN đối với các sản phẩm OCOP. Trong đó tập trung hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng KHCN trong sản xuất… Đồng thời phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh rà soát, đánh giá các sản phẩm được cấp sao; tổ chức chương trình cà phê công nghệ với chủ đề “Ứng dụng công nghệ nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP Quảng Ninh”, trong đó có các nội dung liên quan đến công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; vai trò của thương mại điện tử đối với sự phát triển sản phẩm OCOP…
Đến nay có nhiều doanh nghiệp, HTX áp dụng KHCN trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, nâng tầm giá trị sản phẩm trên thị trường, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Điển hình, như các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả). Từ năm 2020 được sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng và sự chủ động đầu tư của đơn vị, Công ty đã cải tạo, xây mới hệ thống nhà máy chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab – kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn… nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất. Đến nay các sản phẩm tiêu biểu của Công ty, như: Trà giảo cổ lam, trà bổ gan, trà giải độc gan, trà diệp hạ châu, viên tiểu đường, viên chè vằng… trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu, được xếp hạng 4 sao cấp tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.
Chương trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện với 21 dự án. Các dự án được thực hiện theo chuỗi gồm: Quy hoạch vùng; ứng dụng công nghệ xây dựng vùng nguyên liệu; xây dựng công cụ quản lý; giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh… Nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm thuộc chương trình OCOP, như: Vải chín sớm Phương Nam Uông Bí; Chả mực Hạ Long; Na dai Đông Triều; Nếp cái hoa vàng Đông Triều; Gà Tiên Yên; chè Đường Hoa; Rau an toàn Quảng Yên, Trứng gà Tân An; Nước mắm Cái Rồng; Tu hài Vân Đồn; rượu Ba kích Quảng Ninh; mực ống Cô Tô; Nhựa thông Quảng Ninh, Thanh long Uông Bí… Chương trình OCOP đã góp phần phát triển nông nghiệp ổn định.
Thời gian tới, tỉnh xác định chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, gắn với xây dựng NTM bền vững. Tỉnh chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Trong đó ưu tiên hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Đồng thời có chính sách để ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng KHCN để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP; các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở hướng tập trung ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.