Thêm vào đó, sự hiểu biết về các quy định pháp luật của người dân chưa cao, thường các đương sự chưa hiểu đúng về nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ, theo Ðiều 91, Bộ luật Tố tụng dân sự: “Ðương sự có yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho toà án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”; “Ðương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho toà án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó”.
Họ không cung cấp chứng cứ hoặc cung cấp nhưng không đầy đủ, không đến toà án theo giấy triệu tập, không hợp tác hoặc đôi khi phản ứng gay gắt khi toà án tiến hành xác minh, lấy lời khai, xem xét thẩm định tại chỗ… làm ảnh hưởng đến quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ để tìm nguồn gốc bản chất của vụ án, làm cơ sở để ra phán quyết.
Bên cạnh đó, các tranh chấp trong dân ngày càng gia tăng, lượng án toà án thụ lý giải quyết qua các năm đều tăng, bình quân mỗi năm Toà án Nhân dân TP Cà Mau giải quyết hơn 2 ngàn vụ việc các loại. Trong tình trạng giảm biên chế, cộng với những khó khăn trong công tác giải quyết án như tính chất phức tạp của vụ việc, đương sự không hợp tác… đã tạo áp lực rất lớn đối với các công chức toà án, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án.
Bà Trịnh Xuân Trúc dẫn chứng ngay vụ tranh chấp đã được báo Cà Mau phản ánh trên số 626, thứ Ba, ngày 27/6/2023: Ông N.Q và bà N.H.L khởi kiện yêu cầu ông G.V.S, ông G.V.T tháo dỡ hàng rào, trả lại hiện trạng đất cho vợ chồng ông bà. Ngược lại, ông G.V.S, ông G.V.T cho rằng quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông N.Q và bà N.H.L bị trùng lên phần đất đã cấp cho các ông, nên yêu cầu huỷ một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông N.Q và bà N.H.L.
Hiện trạng khu đất liên quan đến tranh chấp giữa ông Nguyễn N.Q và bà N.H.L với ông G.V.S, ông G.V.T, tại Phường 1, TP Cà Mau.
Qua nhiều lần tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp chứng cứ và hoà giải, ngày 28/2/2023, toà án đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, sau đó hoãn phiên toà do đương sự vắng mặt. Ðến ngày 24/4/2023, toà án mở phiên toà xét xử. Tại phiên toà, phát sinh người tham gia tố tụng và cần thu thập các chứng cứ liên quan đến đương sự phát sinh nên hội đồng xét xử đã ngừng phiên toà (sau thời gian tạm đình chỉ, vụ án đã được tiếp tục xét xử vào ngày 6/7 vừa qua nhưng lại phải hoãn do phát sinh tình tiết mới).
Theo Toà án Nhân dân TP Cà Mau, vụ án kéo dài là do các đương sự không thống nhất nhau về nguồn gốc đất mà nguyên đơn đang sử dụng, không thống nhất vị trí các thửa đất… Trong trường hợp này, các đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh những yêu cầu hay ý kiến của họ là có căn cứ. Tuy nhiên, nguồn gốc về đất đai trong vụ án các đương sự không tự chứng minh được nên các đương sự phải yêu cầu toà án thu thập.
Bên cạnh đó, vụ án có nhiều người liên quan, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ở nhiều nơi nên việc tống đạt, lấy lời khai cần nhiều thời gian. Ngoài ra, ông G.V.S có yêu cầu giám định chữ ký của ông tại các văn bản liên quan đến thủ tục cấp đất, nên phải đợi kết quả giám định. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án, có thời gian toà án thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo các chỉ thị của Chính phủ và các kế hoạch của địa phương nên ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án.
Theo Toà án Nhân dân TP Cà Mau, để nâng cao hiệu quả xét xử, thời gian tới đơn vị cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan hữu quan, cơ quan truyền thông tại địa phương tăng cường hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, phổ biến pháp luật đến người dân, để người dân “sống là làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, hạn chế phát sinh tranh chấp và khi phát sinh tranh chấp thì thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ của đương sự được pháp luật quy định, phối hợp tốt với toà án trong quá trình giải quyết vụ án./.
Văn Ðum