TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hôm 18-7 đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Bắc Kinh, qua đó phát đi một số tín hiệu tích cực có thể cải thiện quan hệ giữa quân đội hai nước.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger (trái) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc ngày 18-7 ở Bắc Kinh. Ảnh: Weibo
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, ông Lý trong cuộc gặp nói rằng “liên lạc hữu nghị” giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị hủy hoại vì “một số nhân vật tại Mỹ” không chấp nhận nhượng bộ từ cả hai phía. Nhà lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc cảnh báo, quan hệ hai nước đang “ở mức thấp kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao”, qua đó kêu gọi Mỹ đưa ra “phán quyết chiến lược đúng đắn”, đồng thời hy vọng Bắc Kinh và Washington vẫn có thể hợp tác để thúc đẩy “sự phát triển lành mạnh và ổn định” mối quan hệ giữa hai nước và hai quân đội.
Ðáp lại, ông Kissinger khẳng định ông là bạn của Trung Quốc. “Mỹ và Trung Quốc nên loại bỏ hiểu lầm, cùng tồn tại hòa bình và tránh đối đầu. Lịch sử và thực tế đã liên tục chứng minh rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể coi nhau là kẻ thù. Nếu hai nước xảy ra chiến tranh thì đó sẽ là cuộc chiến vô nghĩa đối với nhân dân cả hai nước” – ông Kissinger bình luận, qua đó đề nghị quân đội Mỹ và Trung Quốc cải thiện liên lạc, “nỗ lực hết mình nhằm mang lại kết quả tích cực cho phát triển quan hệ song phương và duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới”.
Chuyến thăm bất ngờ của cựu ngoại trưởng xứ cờ hoa tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden trong những tháng gần đây đã có nhiều nỗ lực nhằm ổn định mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chỉ trong tháng qua, nhiều quan chức cấp cao Mỹ đã tới Trung Quốc. Hiện John Kerry, Ðặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, đang có mặt tại Bắc Kinh để thảo luận về hợp tác song phương nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Ðây là lần thứ ba ông Kerry đến Trung Quốc trên cương vị Ðặc phái viên về biến đổi khí hậu, và diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lần lượt đến Bắc Kinh.
Ông Kissinger, hiện đã 100 tuổi, từng đóng vai trò quan trọng trong việc nối lại quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc khi giữ chức cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền cố Tổng thống Richard Nixon. Ông hồi tháng 7-1971 đã có chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh, mở đường cho ông Nixon đến Trung Quốc một năm sau đó, dẫn đến bình thường hóa quan hệ song phương. Hơn nửa thế kỷ sau, Bắc Kinh vẫn xem ông Kissinger là “người bạn của Trung Quốc”. Ông cũng nhiều lần phản đối Washington theo đuổi lập trường gay gắt với Bắc Kinh, bày tỏ lo ngại viễn cảnh “thảm họa” nếu như đối đầu Mỹ – Trung vượt tầm kiểm soát và trở thành xung đột. Hồi tháng 5 vừa qua, tờ Thời báo Hoàn cầu ca ngợi ông Kissinger “vẫn giữ được đầu óc sắc bén dù đã bước vào hàng bách niên”.
Tuy nhiên, phía Mỹ nói rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Kissinger chỉ mang tư cách cá nhân. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, ông Kissinger đến Trung Quốc theo nguyện vọng của cá nhân ông và không hành động thay mặt Chính phủ Mỹ. Ông Miller cho rằng cựu Ngoại trưởng Kissinger có thể báo cáo lại cho các quan chức Mỹ về chuyến đi.
Khi được hỏi rằng liệu cuộc gặp giữa ông Kissinger và ông Lý có vấn đề gì không khi nhà lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc đang chịu trừng phạt của Washington, ông Miller không cho rằng cuộc gặp vi phạm các lệnh trừng phạt. Song, Bộ Ngoại giao Mỹ tin rằng cuộc gặp đồng cấp giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sẽ phù hợp hơn.
Trước cuộc gặp với ông Kissinger, ông Lý đã nhiều lần từ chối đối thoại với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin từ sau sự cố khinh khí cầu vào tháng 2-2023. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng từ chối lời mời của Lầu Năm Góc về tổ chức cuộc họp giữa hai bộ trưởng bên lề hội nghị an ninh Ðối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 6. Ông Lý bị Mỹ trừng phạt kể từ năm 2018 về việc Trung Quốc mua vũ khí của Nga. Ông đảm nhận vai trò bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc vào đầu năm nay.