Trong lúc các bệnh viện được “cởi trói”, ráo riết đấu thầu mua sắm, trang bị máy móc, bổ sung vật tư y tế để phục vụ người bệnh thì tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ vẫn liên tục nói về việc bệnh viện thiếu vật tư, thiếu máy móc và đích đến cuối cùng là đưa người bệnh ra các cơ sở y tế tư nhân để làm dịch vụ.
Phòng khám không có chuyên khoa Mắt nhưng vẫn chụp chiếu các bệnh nhân về mắt
Như Báo Lao Động đã phản ánh ở kỳ trước, sau nhiều ngày ghi nhận, nhóm phóng viên đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, dù đăng ký các dịch vụ ở bệnh viện công, nhưng đều được các bác sĩ tại đây chỉ định ra phòng khám hoặc bệnh viện tư để thực hiện chụp chiếu, hay phẫu thuật với chi phí đắt đỏ.
Các bệnh nhân hầu hết sẽ “chấp hành” khi bác sĩ chỉ định ra phòng khám, bệnh viện tư nhân ở ngoài. Lý do được các bác sĩ nói với người bệnh là bệnh viện thiếu trang thiết bị, vật tư y tế nên không thể chụp chiếu hay phẫu thuật được. Thế nhưng, sự thật liệu có phải như vậy hay không?
Điều này càng vô lý hơn, khi Nghị quyết 30 và Nghị định 07 cùng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đã được ban hành hơn 1 tháng trước.
Trong lúc các bệnh viện được “cởi trói”, ráo riết đấu thầu mua sắm, trang bị máy móc, bổ sung vật tư để phục vụ người bệnh thì tại Bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ vẫn liên tục nói về việc bệnh viện thiếu vật tư, thiếu máy móc và đích đến cuối cùng là đưa người bệnh ra các cơ sở y tế tư nhân để làm dịch vụ.
Sự vô lý này, cùng với nhiều ngày chứng kiến sự vất vả của người bệnh đã thôi thúc nhóm phóng viên đi tìm câu trả lời. Chúng tôi tiếp tục theo chân người bệnh từ Bệnh viện Mắt Trung ương sang các phòng khám, bệnh viện tư để chụp chiếu, phẫu thuật theo chỉ định hoặc giới thiệu của các bác sĩ.
Có thể thấy, việc bệnh nhân của Bệnh viện Mắt Trung ương thường xuyên được chỉ định đến phòng khám Vietlife (địa chỉ tại số 14, phố Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thực hiện các kĩ thuật dịch vụ là điều quen thuộc với mỗi nhân viên y tế tại đây.
Khi được hỏi vì sao người nhà đi khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương mà lại phải sang phòng khám để chụp cộng hưởng từ, một nhân viên y tế của phòng khám Vietlife nói: “Chụp bên em giá tương đương bệnh viện, mà chất lượng còn tốt hơn. Kết quả chụp của bên em được chấp nhận thì người ta (bác sĩ- PV) mới chỉ định đi mà chị. Phải có lý do họ mới chỉ định chứ. Bác sĩ chỉ định bệnh nhân sang đây”.
Một nhân viên khác của phòng khám Vietlife chia sẻ: “Nếu bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương có chỉ định chụp cộng hưởng từ cho bệnh nhân thì cứ báo để chúng tôi sắp xếp lịch, hẹn giờ chụp. Bên phòng khám chúng tôi không có chuyên khoa Mắt, nên phải có bác sĩ bên đó chỉ định thì chúng tôi mới chụp cho người bệnh”.
Theo chia sẻ của nhân viên y tế này, ngoài Bệnh viện Mắt Trung ương, nhiều bác sĩ của một số bệnh viện lớn cũng chỉ định bệnh nhân sang phòng khám này để chụp cộng hưởng từ. “Bệnh viện lớn có thể có máy nhưng quá tải bệnh nhân”- cô nhân viên này nói.
Trong sổ khám của các bệnh nhân được chỉ định đến chụp MRI tại phòng khám Vietlife, bác sĩ đều ghi tên và địa chỉ phòng khám để bệnh nhân dễ tìm kiếm. Đồng thời ký, ghi tên và số điện thoại bác sĩ rất rõ ở bên dưới.
Khéo léo giới thiệu bệnh nhân ra cơ sở y tế ngoài để phẫu thuật
Không chỉ chụp chiếu, không ít bệnh nhân được chỉ định các dịch vụ kỹ thuật ở “tầm cao” như phẫu thuật mắt cũng đã được bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương khéo léo chuyển ra ngoài. Vẫn chung một lý do, đó là bệnh viện đang thiếu thiết bị, vật tư y tế nên không thể mổ được, người bệnh muốn nhanh thì ra ngoài mổ. Điểm đến lần này là một bệnh viện tư nhân có tiếng trong ngành Nhãn khoa – Bệnh viện mắt Hồng Sơn.
“Bố tôi đi khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương, bị bong võng mạc có vết rách và đục thủy tinh thể ở mắt phải nhưng sau khi khám xong thì bác sĩ tại phòng khám 307 nói rằng bệnh viện không có thuốc, vật tư để mổ, hết từ lâu rồi. Sau đó họ giới thiệu ra mổ ở Bệnh viện Mắt Hồng Sơn và ghi giấy cho chúng tôi địa chỉ và số điện thoại của người mổ”- người nhà bệnh nhân N.B.T (86 tuổi) ở Chí Linh, Hải Dương chia sẻ.
Mặt sau của tờ giấy kết quả khám của bệnh nhân N.B.T tại Bệnh viện Mắt Trung ương là mấy dòng bút phê của bác sĩ ghi rõ địa chỉ Bệnh viện Mắt Hồng Sơn, tên và số điện thoại của bác sĩ H (người sẽ phẫu thuật cho bệnh nhân tại BV Mắt Hồng Sơn). Người nhà chỉ việc theo địa chỉ đó để được đặt lịch phẫu thuật.
Bác sĩ nào giới thiệu ra viện tư, người đó sẽ trực tiếp mổ cho bệnh nhân
Phóng viên đã vào vai người nhà bệnh nhân để tìm hiểu rõ hơn. Khi người nhà bệnh nhân hỏi về bác sĩ sẽ phẫu thuật cho bệnh nhân, nhân viên đón tiếp của Bệnh viện Mắt Hồng Sơn (địa chỉ: 709 Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội) chưa cần xem bệnh án, giấy tờ của người bệnh mà hỏi ngay: “Đã khám bác sĩ nào?”. Sau khi được trả lời là bác sĩ H, nhân viên này khẳng định luôn: “Bác sĩ H là người sẽ mổ cho bệnh nhân luôn nhé. Bác sĩ H đã khám rồi thì bác sĩ H sẽ mổ luôn, muốn đặt lịch các bác sĩ khác cũng không được”.
Nhân viên này cũng tiết lộ: “Bệnh nhân của bác sĩ nào thì bác sĩ đó sẽ mổ. Nếu bệnh nhân bên đó (Bệnh viện Mắt Trung ương-PV) khám bác sĩ nào mà cần mổ, đồng ý mổ thì bác sĩ đó sẽ chuyển thông tin bệnh nhân sang đây. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, đa số các bác sĩ như bác sĩ H sẽ mổ ở ngoài vì viện thiếu vật tư”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên trang thông tin điện tử của Bệnh viện Mắt Hồng Sơn giới thiệu Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Cung Hồng Sơn là chuyên gia khám và điều trị ngoài giờ hành chính tại bệnh viện này.
Điều 37 Luật Khám chữa bệnh quy định 7 nghĩa vụ đối với nghề nghiệp của cán bộ nhân viên y tế. Trong đó, quy định rõ cán bộ nhân viên y tế không được kê đơn, chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì vụ lợi. Thế nhưng, bất chấp quy định của luật, không ít bác sĩ lại đang lợi dụng công việc của mình, chỉ định bệnh nhân ra các cơ sở y tế ngoài công lập để sử dụng dịch vụ.
Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến người bệnh, khiến người bệnh phải vất vả, chạy đôn chạy đáo nhiều cơ sở khám chữa bệnh, phải chi tiền túi nhiều hơn cho y tế, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế khẳng định: “Nếu bác sĩ bệnh viện công chỉ định về dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân ra phòng khám ngoài thì không được. Luật Khám chữa bệnh đã cấm điều này, ngoài ra, các văn bản của Bộ Y tế cũng quy định, các bệnh viện cũng có quy định riêng. Nếu bệnh nhân ra ngoài thực hiện các dịch vụ y tế khác thì bắt buộc phải có hội chẩn và có giấy chuyển thực hiện dịch vụ kỹ thuật đến cơ sở khám chữa bệnh khác. Thông thường thì các cơ sở đó đều sẽ có ký hợp đồng khám chữa bệnh với bệnh viện”.