Quân đội Nga đã phá hủy các vị trí của lực lượng Ukraine tại ba khu định cư ở hữu ngạn sông Dnieper gần thành phố Kherson thuộc miền nam Ukraine, một doanh trại gần khu định cư Pridneprovskoye, 2 súng cối 120 mm và làm thiệt mạng 46 quân nhân Ukraine trong 24 giờ trước đó, theo Hãng tin TASS dẫn thông báo sáng nay 23.7 từ giới chức khu vực.
Ngoài ra, quân đội Nga ngày 23.7 tuyên bố đã tấn công tất cả các mục tiêu đã định ở thành phố cảng Odessa thuộc miền nam Ukraine, lập luận các địa điểm này đang được sử dụng để chuẩn bị “hành động khủng bố” chống lại Nga, theo AFP.
“Vào ban đêm, các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công… vào những cơ sở chuẩn bị các hành động khủng bố chống lại Liên bang Nga bằng tàu không người lái. Tất cả các mục tiêu theo kế hoạch trong cuộc không kích đã bị phá hủy”, quân đội Nga tuyên bố.
Trước đó cùng ngày, Tỉnh trưởng Oleh Kiper của tỉnh Odessa viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng một cuộc không kích của Nga nhắm vào thành phố Odessa vào sáng sớm cùng ngày đã khiến một người chết và 19 người bị thương, theo Reuters. Ông Kiper còn viết rằng cuộc tấn công đã phá hủy 6 ngôi nhà, một tòa nhà chung cư và làm hư hại nặng một nhà thờ.
Không quân Ukraine ngày 23.7 nói rằng Moscow đã phóng 19 quả tên lửa từ đất liền, trên không và trên biển vào cảng Odessa ở biển Đen vào ban đêm và trong đó có 9 quả bị bắn hạ, theo AFP.
Sau cuộc tấn công trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ trả đũa các lực lượng Nga. “Tên lửa nhắm vào các thành phố yên bình, chống lại các tòa nhà dân cư, một nhà thờ lớn. Chắc chắn sẽ có sự trả đũa đối với những thành phần khủng bố người Nga vì Odessa. Chúng sẽ cảm nhận được sự trả đũa này”, Tổng thống Zelensky tuyên bố, theo AFP.
Nga bị tố tấn công Odessa và các cơ sở xuất khẩu lương thực khác của Ukraine gần như mỗi ngày trong tuần qua sau khi Moscow ngày 17.7 từ chối gia hạn thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho phép vận chuyển ngũ cốc Ukraine an toàn qua biển Đen, theo Reuters.
Xem thêm: Giải pháp cứu vãn thỏa thuận ngũ cốc Nga – Ukraine
Vì sao Mỹ không vội gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine?
Tờ The Washington Post ngày 22.7 đưa tin sự thất vọng trước tốc độ phản công chậm của Ukraine chống lại các lực lượng Nga đã dẫn đến suy đoán rằng Washington sẽ sớm cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Kyiv.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng và hành chính Mỹ quen thuộc với vấn đề ATACMS khẳng định với The Washington Post rằng “không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ và không có cuộc thảo luận thực chất nào về vấn đề này trong nhiều tháng”.
Theo các quan chức quốc phòng và hành chính Mỹ, Lầu Năm Góc tin rằng Kyiv “có nhu cầu cấp bách khác ngoài ATACMS và lo ngại rằng việc gửi đầy đủ vũ khí tới Ukraine để tạo ra sự khác biệt trên chiến trường sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự sẵn sàng của Mỹ đối với các cuộc xung đột có thể xảy ra khác”.
Các quan chức cho hay số lượng ATACMS trong kho dự trữ của Mỹ vẫn ổn định, chờ được thay thế bằng tên lửa tấn công chính xác tầm xa thế hệ tiếp theo, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) vẫn sản xuất 500 ATACMS/năm, nhưng số lượng đó được dành để bán cho các quốc gia khác.
Xem thêm: Mỹ đang cân nhắc gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine?
Trung tâm sửa xe tăng Leopard từ Ukraine bắt đầu hoạt động ở Ba Lan
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã viết trên Twitter rằng một trung tâm sửa chữa xe tăng Leopard từ Ukraine đã bắt đầu hoạt động tại Ba Lan, theo Hãng tin TASS hôm nay 23.7.
“Trung tâm bảo trì ở Gliwice đã bắt đầu hoạt động. Hai chiếc Leopard đầu tiên đã đến từ Ukraine”, ông Blaszczak viết trên Twitter.
Bộ Quốc phòng Đức ngày 12.7 thông báo Berlin và Warsaw có kế hoạch cùng nhau phối hợp sửa chữa các xe tăng Leopard tham gia hoạt động quân sự ở Ukraine.
Báo Der Spiegel đưa tin rằng công ty PGZ của Ba Lan đã lên kế hoạch tính phí hơn 100.000 euro (hơn 2,6 tỉ đồng) cho lần kiểm tra ban đầu đối với một chiếc xe tăng bị hư hỏng, trong khi một quy trình tương tự ở Đức chỉ tốn khoảng 12.000 euro.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hồi đầu tháng 7 cho hay các bên dự định giải quyết những khác biệt của họ về vấn đề trên trong vòng 10 ngày, theo TASS.
Xem thêm: Nga nói Ukraine thiệt hại nặng, mất xe tăng phương Tây trong ngày tấn công lớn thứ 2
Ukraine phát triển hệ thống phòng không mới để đối phó Nga?
Ông Yehor Cherniev, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia, Quốc phòng và Tình báo thuộc quốc hội Ukraine, ngày 22.7 nói rằng nước này đã phát triển và đang thử nghiệm các hệ thống phòng không tầm trung của riêng mình, theo trang The Kyiv Independent.
Xem thêm: Nga phóng tên lửa dồn dập vào Odessa, Ukraine phát triển vũ khí như Hawk của Mỹ?
Tổng thống Lukashenko muốn giữ lính đánh thuê Wagner ở miền trung Belarus
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 23.7 nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông đang “giữ” lính đánh thuê Wagner ở miền trung Belarus và Minsk đang “kiểm soát” tình hình khi có lính đánh thuê Wagner trên lãnh thổ Belarus, theo AFP.
“Họ đang yêu cầu đi về phía tây, xin phép tôi… thực hiện một chuyến đi tới Warsaw (Ba Lan), tới Rzeszow (Ba Lan). Nhưng tất nhiên, tôi sẽ giữ họ ở miền trung Belarus, như chúng ta đã thỏa thuận”, Tổng thống Lukashenko nói với Tổng thống Putin trong cuộc gặp ở Moscow. Khi đó, ông Putin mỉm cười.
Tổng thống Putin cho hay ông sẽ thảo luận về an ninh ở Đông Âu với Tổng thống Lukashenko trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi Minsk giúp chấm dứt cuộc nổi loạn ngắn do lực lượng Wagner tiến hành ở Nga trong tháng 6.
Xem thêm: Wagner đến Belarus, NATO lo bất ổn gia tăng