“Một cây làm chẳng nên non…”
Nếu như trước đây, chị Lục Thị Huế, thôn Bản Đồn chỉ thêu thùa, may vá làm trang phục cho mình và người thân thì nay chị đã có khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua sản phẩm. Chị bảo, từ khi chị tham gia Nhóm sở thích thêu dệt thổ cẩm của thôn chị thấy thực sự may mắn. Nào là được làm việc cùng chị em thân thiết, có chung sở thích, lại kiếm thêm thu nhập nữa!
Nhóm sở thích thêu dệt thổ cẩm thôn Bản Đồn, xã Minh Quang hiện có 16 thành viên. Đây đều là những hội viên phụ nữ có tay nghề kỹ thuật, cùng sở thích thêu, dệt của xã. Chị Vũ Thị Thanh Lý, Trưởng nhóm cho biết, phụ nữ vùng cao từ khi lớn lên đã gắn bó với thổ cẩm, thêu thùa. Vào lúc nhàn rỗi, mọi người đều tranh thủ làm nhưng hầu hết chị em chỉ làm manh mún, nhỏ lẻ, chưa chú ý tạo ra các sản phẩm để bán. Việc thành lập nhóm cùng sở thích đã giúp tập trung lại các sản phẩm nhỏ lẻ của chị em để cung cấp cho thị trường và tạo nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên.
Từ Nhóm sở thích đan cót xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) mà nghề truyền thống được giữ gìn, phát triển.
Năm 2021, Nhóm sở thích đan cót thôn Trung Vượng 2, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) thành lập là một niềm vui của nhiều hộ dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Đoan, Trưởng nhóm chia sẻ, nghề này không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự dẻo dai bền bỉ nên việc thu hút những người trẻ ở lại quê làm nghề là điều chúng tôi tâm huyết. Nhóm có 25 thành viên, trong đó có nhiều bạn trẻ tham gia. Từ khi thành lập được nhóm, sản xuất tập trung và quy củ hơn, hàng sản xuất đều, các đại lý thu mua và đặt hàng nhiều hơn.
Sau khi được hướng dẫn thành thạo nghề thì các thành viên được làm thủ tục vay 5 triệu đồng mua máy chẻ nan cót. Nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, mỗi ngày mỗi người có thể đan được 3 – 4 tấm để bán. Thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Chị Lư Thị Kiều, sinh năm 1993 là thành viên trẻ nhất của Nhóm sở thích đan cót xã Trung Hòa. Chị bảo trước đây học xong mình chỉ muốn rời khỏi làng để đi làm việc ở các thành phố, nhà máy lớn. Từ nhỏ mình ít khi để ý đến việc đan cót thế nhưng từ khi tham gia nhóm thấy yêu nghề truyền thống của người Tày mình hơn. Nay Kiều đã phân biệt rạch ròi 2 loại cót: cót dùng để chế biến đồ thủ công xuất khẩu và cót dùng trong xây dựng.
Chị Lê Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chiêm Hóa cho biết, rõ ràng so với việc làm nhỏ lẻ, riêng lẻ thì khi tập hợp thành một nhóm có chung sở thích, niềm đam mê thì các hội viên phụ nữ sẽ đồng lòng hơn. Khách hàng dễ dàng tìm kiếm, chọn lựa các sản phẩm, nguồn hàng. Việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc thành lập nhóm sở thích góp phần giữ gìn nghề truyền thống, tạo điều kiện cho lao động địa phương để người trẻ “ly nông bất ly hương”.
Đồng lòng phát triển kinh tế
Từ năm 2020 đến nay, các cơ sở hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh thành lập được 25 nhóm sở thích. Bao gồm các lĩnh vực như thêu thùa, đan lát, chăn nuôi, trồng trọt. Gọi là “nhóm sở thích” nhưng không có nghĩa là các nhóm tự phát mà được thành lập, hoạt động một cách quy củ từ khâu tìm nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đến đầu ra.
Tại thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn), nhóm sở thích chăn nuôi gà thả đồi được thành lập từ năm 2022. Hiện nay, nhóm có 7 thành viên với quy mô chăn nuôi trung bình mỗi hộ 500 con/lứa. Khi tham gia nhóm, thành viên được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, kiến thức về cách đầu tư, tìm nguồn vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm… Đặc biệt, lợi ích thiết thực của nhóm là trong các buổi sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần, các thành viên cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm chăn nuôi, cách lựa chọn con giống, phòng tránh dịch bệnh, chọn thời điểm xuất bán có lãi nhất… Nhóm đã được Hội LHPN tỉnh cho vay 50 triệu đồng không lãi suất để thực hiện phát triển kinh tế.
Nhóm sở thích thêu dệt thổ cẩm thôn Bản Đồn, xã Minh Quang (Lâm Bình) hoàn thiện sản phẩm để kịp giao hàng.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình, chị Ma Thị Hồng Tuyên, thành viên của nhóm chia sẻ: “Nếu như trước đây, nuôi gà thả đồi manh mún, lẻ tẻ, lại thiếu kinh nghiệm nên gà thường nhỏ, không đạt đủ trọng lượng. Nay nhờ được trang bị các kiến thức, cùng với sự giúp đỡ của mọi thành viên trong nhóm nên các vấn đề đó đã không còn xảy ra.
Nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà thả đồi có 7 hội viên phụ nữ. Mục tiêu hướng đến của nhóm là xây dựng chuỗi liên kết từ con giống đầu vào đến tiêu thụ gà thương phẩm. Mỗi năm, 1 thành viên tiêu thụ được 3.000 – 4.000 con gà thương phẩm. Đặc biệt, thông qua nhóm sẽ góp phần đưa gà thả đồi trở thành một sản phẩm đặc trưng của Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn trong thời gian tới.
Nhóm sở thích trồng dưa chuột an toàn của Chi hội Phụ nữ thôn 5, xã Trung Trực (Yên Sơn) phát huy khá hiệu quả. Nhóm có 10 thành viên với 15 sào dưa chuột. Chị Ma Thị Minh, thành viên chia sẻ: “Tham gia nhóm chị được hỗ trợ kiến thức kinh nghiệm kỹ thuật trồng dưa đạt năng suất. Đặc biệt HTX Trồng trọt, chăn nuôi giống gia cầm Đại Thắng, xã Trung Trực đã ký kết liên doanh bao tiêu sản phẩm dưa chuột với các thành viên trong nhóm. Do đó chúng tôi yên tâm sản xuất mà không lo đầu ra sản phẩm”.
Mô hình Nhóm sở thích trồng rau sạch ở thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) là địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng, các đại lý tìm mua rau sạch. Bởi rau được sản xuất theo quy trình VietGap. Các thành viên luôn tạo dựng uy tín nâng cao thương hiệu sản phẩm. Nhóm gồm 30 thành viên với diện tích trồng gần 6 ha. Rau thường được các đại lý thu mua ngay khi thu hoạch, chị em yên tâm sản xuất, học hỏi lẫn nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Từ những nhóm sở thích nhiều hội viên phụ nữ đã tìm được địa chỉ tin cậy để đồng hành phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các nhóm đã có nhiều sáng tạo trong việc quảng bá sản phẩm như đăng bài trên mạng xã hội, giới thiệu gian hàng tại các hội chợ, gian hàng trưng bày sản phẩm… Từ đó giúp các thành viên từng bước nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế trong thời đại 4.0.