Chiều 21/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” 6 tháng đầu năm; triển khai kế hoạch thực hiện “Năm hành động phòng, chống mua bán người” 2023 – 2024, phát động đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh (1/7/2023 – 30/9/2023).
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) 138 tỉnh; Vũ Hồng Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng BCĐ 138 tỉnh; thành viên BCĐ 138 tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu toàn tỉnh với 450 đại biểu là lãnh đạo các cấp, ngành, UBND các huyện, Thành phố.
6 tháng đầu năm, BCĐ 138 tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, giải pháp bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự xã hội. Đăng tải, phát sóng 558 tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trên 5.100 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với trên 443.000 người tham gia. Xây dựng, ra mắt 8 mô hình về an ninh trật tự (ANTT), duy trì nhân rộng 38 mô hình tại các khu dân cư; chuyển hóa 48 địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ, vận động quần chúng được quan tâm chỉ đạo; lập hồ sơ quản lý đối với 2.400 trường hợp nghiện ma túy, đưa 61 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tình hình phạm pháp hình sự được kiềm chế, giảm 9,25% so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự vượt chỉ tiêu đề ra, duy trì trên 90%; không để hình thành các băng ổ nhóm, tụ điểm, đường dây phức tạp. Tiếp nhận, phát hiện trên 8.500 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép; tổ chức tuyên truyền, vận động, đấu tranh xóa bỏ hoạt động của 2 tổ chức bất hợp pháp, tà đạo. Phát hiện, điều tra 3 vụ/6 bị can về hành vi mua bán người, tiếp nhận với phía Trung Quốc 4 công dân là nạn nhân các vụ mua bán người…
Công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội, tuyên truyền, vận động quần chúng được quan tâm chỉ đạo, hướng về cơ sở. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được quan tâm, triển khai rộng khắp tại các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhất là trên mạng xã hội, kịp thời cảnh báo những thủ đoạn hoạt động của tội phạm, cung cấp các thông tin chính luận về tình hình tội phạm, kết quả đấu tranh của lực lượng chức năng, phản bác các thông tin sai trái, thù địch.
Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước do các sở, ngành thực hiện đang từng bước phát huy hiệu quả phòng ngừa, giúp phát hiện, khắc phục các sơ hở, không để tội phạm, vi phạm pháp luật nảy sinh và làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước, địa phương và nhân dân. Đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là công an cấp xã tiếp tục bám nắm cơ sở, phát huy vai trò phòng ngừa tội phạm, giải quyết mâu thuẫn, không để phát sinh “điểm nóng” phức tạp về ANTT từ địa bàn cơ sở…
Tại hội nghị, các đại biểu tham luận các nội dung: Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; kinh nghiệm phối hợp giữa các cấp, ngành trong tuyên truyền, đấu tranh với tổ chức bất hợp pháp, tôn giáo hoạt động trái pháp luật trên địa bàn; nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên các phương tiện truyền thông; trách nhiệm của phụ nữ trong công tác quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy…
Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện “Năm hành động phòng, chống mua bán người”, phát động đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị trong thời gian tới, công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, xuyên suốt của Đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương; sự phối hợp tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm phải đồng bộ, quyết liệt; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót và phải có sự động viên, khích lệ xứng đáng.
Các cấp, ngành chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Thường xuyên tổng hợp, rà soát, lập danh sách quản lý số đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, nhất là người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy… Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đảm bảo thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với đối tượng, địa bàn.
Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng, chống tội phạm từ “truyền thống” sang “hiện đại”. Chú trọng khai thác hiệu quả các phần mềm, ứng dựng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Đề án 06/CP để phục vụ quản lý xã hội, quản lý nghiệp vụ, phòng, chống tội phạm.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm để thực hiện hiệu quả “Năm hành động phòng, chống mua bán người” 2023 – 2024 trên địa bàn tỉnh, kết hợp chặt chẽ với việc phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, không để Cao Bằng trở thành địa bàn phức tạp về tội phạm qua biên giới.
M.H