Trong những ngày tới, mưa giông diện rộng kéo dài trên khu vực Nam bộ và nam Biển Đông. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc qua, đêm hôm qua và ngày hôm nay (22.7), ở khu vực Trung và Nam Trung bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to; khu vực nam Tây nguyên và Nam bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính từ 0 giờ đến 15 giờ ngày 22.7 có nơi trên 60mm như: Phù Cát (Bình Định) 87,6mm, Đắk Môl 5 (Đắk Nông) 103,6mm… Dự báo từ chiều tối 22.7 đến 24.7, khu vực Tây nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50 – 100mm, có nơi trên 180mm, mưa lớn tập trung vào chiều và đêm.
Trên biển, từ chiều tối ngày 22 – 23.7, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 – 8, biển động; sóng biển cao từ 1,5 – 2,5m. Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Giải thích về hiện tượng mưa giông kéo dài, ThS Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết: Nguyên nhân do dãy hội tụ nhiệt đới (gồm nhiều ổ mây giông) nằm vắt ngang trên khu vực Nam bộ kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh. Theo ảnh mây vệ tinh và các dự báo của nhiều trung tâm uy tín của thế giới, dãy hội tụ hay còn gọi là vùng nhiễu động này đang tiếp tục phát triển thành vùng áp thấp vào đêm ngày 24 rạng sáng 25.7 và khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; không loại trừ khả năng mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 trên khu vực giữa Biển Đông.
Áp thấp nhiệt đới (bão) này sẽ nhích lên khu vực gần quẩn đảo Hoàng Sa và di chuyển theo hướng đông đông bắc về hướng Philippines. Nguyên nhân, do ngoài khơi, phía đông của Philippines có một cơn bão lớn Doksuri có thể mạnh cấp 15 hoặc cấp 16 (siêu bão) trong những ngày tới. Với khoảng cách dưới 2.000 km, cơn bão trên sẽ hút áp thấp nhiệt đới về phía mình. Đây là sự tương tác mà người ta vẫn gọi nôm na là bão đôi.
Bà Lan cho biết: “Cơn bão lớn Doksuri kéo bão trên Biển Đông di chuyển theo hướng đông đông bắc, là nguyên nhân không di chuyển vào khu vực miền Trung nước ta như như báo của tôi hơn 10 ngày trước. Tôi muốn nói rõ nguyên nhân và nguy cơ xuất hiện bão số 2 trong những ngày tới vì trên vùng biển này có nhiều hoạt động kinh tế biển như đánh bắt hải sản, khai thác dầu khí và du lịch trên biển. Đặc biệt, hiện tại đang là mùa hè, nhiều hoạt động du lịch trên biển và tham quan các đảo rất phát triển nên cần được cảnh báo rõ ràng để mọi người chuẩn bị phòng tránh. Còn trên đất liền, toàn miền Nam sẽ có mưa giông diện rộng kéo dài đến hết tháng”.
Theo bà Lan, trong những ngày tới, diễn biến cụ thể thế nào cần phải tiếp tục theo dõi và cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, người dân mà đặc biệt là những người có các hoạt động trên biển cần đặc biệt chú ý đề phòng thời tiết nguy hiểm trên khu vực nam Biển Đông kéo dài từ Nha Trang đến Kiên Giang.