Từ những mô hình hiệu quả trên thế giới…
Nghiên cứu khoa học hay nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc xác định vị thế, tiềm lực của một quốc gia. Những quốc gia đi đầu ở lĩnh vực công nghệ như Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Israel luôn thể hiện mức chi cho R&D hàng đầu thế giới, chiếm từ 3 đến 4% GDP.
Tại Hoa Kỳ – quốc gia đang có ngân sách đầu tư cho R&D lớn nhất thế giới, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thống kê Khoa học Kỹ thuật Quốc gia, năm 2023, phần ngân sách liên bang được đề xuất cho R&D là 191 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2022. Nhìn rộng hơn, vào năm 2020, 700 tỷ USD đóng góp GDP ở Hoa Kỳ là chi cho nghiên cứu phát triển, vượt xa Nhật Bản (172 tỷ USD), Đức (147 tỷ USD), Hàn Quốc (111 tỷ USD) và chênh đáng kể với Trung Quốc (465 tỷ USD).
Dòng tiền khổng lồ này được tài trợ thông qua các quỹ của chính phủ như Quỹ Khoa học Quốc Gia (NSF), Viện Y tế Quốc Gia (NIH), hay NASA, Lầu Năm Góc hoặc các đơn vị đầu tư cho quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, phải kể đến các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, Meta, Apple hay Amazon… Năm 2021, riêng “Năm ông lớn” (Big Fives) nói trên đã chi tới 149 tỷ USD cho R&D, bao gồm cả việc mua bán sáp nhập các công ty công nghệ khác.
Và không thể không nhắc tới các Quỹ tư nhân, các Quỹ phi lợi nhuận, một nguồn lực đang dần khẳng định vị thế của mình trong những năm gần đây thông qua việc tài trợ cho R&D một cách hiệu quả, nhanh chóng và mang tính toàn cầu.
Đầu tiên phải nói tới Quỹ Bill & Melinda Gates – một tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, được góp vốn bởi Bill Gates, chủ tịch và người sáng lập ra tập đoàn Microsoft, và vợ của ông, bà Melinda Gates. Đây là quỹ tư nhân lớn nhất trên thế giới, với 46,8 tỷ USD tài sản và sẽ tiếp tục tăng sau những cam kết hiến tặng của các mạnh thường quân. Từ năm 2000 đến nay, Quỹ đã tài trợ tổng cộng 53,8 tỉ USD với mục đích nâng cao chăm sóc y tế, giảm đói nghèo trên quy mô toàn cầu. Quỹ đã ghi dấu ấn với những tài trợ nghiên cứu phát triển vaccine, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, kế hoạch hóa gia đình cũng như các chương trình phát triển chính sách y tế, nông nghiệp và quản lý hành chính tại các nước nghèo. Ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với kinh nghiệm và nguồn lực của mình trong lĩnh vực y tế cộng đồng, Quỹ Bill & Melinda Gates đã chi hàng tỷ USD vào các công nghệ phát triển vaccine chống lại nCov, mở ra Cơ chế Covax – Tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19, cũng như tài trợ công cụ xét nghiệm và bảo hộ cho các tổ chức y tế.
Ngoài ra, có thể kể đến các Quỹ như Simons Foundation (Mỹ) tài trợ cho các cá nhân thực hiện các dự án nghiên cứu trong 4 lĩnh vực: Toán học và Khoa học Vật lý, Khoa học sự sống, Nghiên cứu về bệnh tự kỷ, Khoa học, xã hội và văn hóa; Ford Foundation (Mỹ) tài trợ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục, từ thiện và phúc lợi xã hội; Tatatrusts (Ấn Độ) hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, nước và vệ sinh, sinh kế, công bằng và hòa nhập xã hội, phát triển kỹ năng, di cư và đô thị hóa, môi trường và năng lượng, kiến thức kỹ thuật số, thể thao, nghệ thuật, thủ công và văn hóa, quản lý thảm họa…
Không chỉ đầu tư trực tiếp vào khoa học công nghệ, nhiều quỹ trên thế giới hiện nay còn đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua học bổng, các chương trình đào tạo và trao đổi học thuật. Ví dụ, Quỹ Alexander von Humboldt, thành lập bởi Chính phủ CHLB Đức, được tài trợ bởi rất nhiều đối tác. Quỹ ra đời từ năm 1860, nhằm thúc đẩy hợp tác học thuật quốc tế với ngân sách hằng năm gần 150 triệu Euro. Một ví dụ khác, tại Việt Nam trước đây, hoạt động của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đây là Quỹ được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ nhằm tăng cường mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong hơn 10 năm hoạt động, VEF đã trao gần 600 suất học bổng cho công dân Việt Nam sang học tập tại Hoa Kỳ, tài trợ cho 55 tiến sỹ Việt Nam sang nghiên cứu và 48 giáo sư Hoa Kỳ sang giảng dạy tại các trường đại học ở Việt Nam. Tiếp nối thành công đó, phiên bản VEF2.0 đang được triển khai bởi chính cộng đồng nghiên cứu sinh và học giả đã từng nhận học bổng VEF trước đây, trở thành một Quỹ phi lợi nhuận với mục tiêu hỗ trợ những sinh viên xuất sắc của Việt Nam trong các ngành khoa học công nghệ.
Rõ ràng, các quỹ tư nhân và phi lợi nhuận trên đã và đang tạo dựng được ảnh hưởng mang tính toàn cầu, gắn liền với hoạt động kịp thời, hiệu quả ở những điểm nóng trên thế giới, cũng như đem đến nguồn lực đáng kể cho quá trình đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ. Tại Việt Nam nói riêng, các nguồn “ngoại lực” kể trên, một cách cục bộ, cũng đã phần nào giải tỏa được “cơn khát” trong giới khoa học công nghệ, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về những nguồn “nội lực” bao quát, bền vững, dễ tiếp cận, giúp các nhà khoa học Việt toàn tâm toàn ý với sự nghiệp nghiên cứu của mình.
… đến vai trò người mở đường tại Việt Nam
Được truyền cảm hứng từ những quỹ tư nhân trên thế giới, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) là quỹ tư nhân đầu tiên tại Việt Nam với ngân sách cam kết hàng nghìn tỷ đồng tài trợ hoàn toàn phi lợi nhuận cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam. Được thành lập từ năm 2018, sau 5 năm vận hành, VINIF đã góp phần tạo dựng được một văn hóa làm nghiên cứu và phát triển mới tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, các nguồn “ngoại lực” kể trên, một cách cục bộ, cũng đã phần nào giải tỏa được “cơn khát” trong giới khoa học công nghệ, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về những nguồn “nội lực” bao quát, bền vững, dễ tiếp cận, giúp các nhà khoa học Việt toàn tâm toàn ý với sự nghiệp nghiên cứu của mình.
Cũng giống như một số quỹ khác trên thế giới, VINIF tài trợ tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu của đất nước, bao gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật, y dược, kinh tế, giáo dục, văn hóa và lịch sử. Sự tập trung này có sự mở rộng theo thời gian để kịp thời đáp ứng những nhu cầu của xã hội.
Với cơ chế linh hoạt, thủ tục đơn giản từ VINIF, các nhà khoa học có nguồn lực để mua sắm trang thiết bị máy móc cần thiết, nhận mức thù lao xứng đáng và hoàn toàn tập trung vào việc nghiên cứu, hiện thực hóa các ý tưởng và đưa các kết quả nghiên cứu ra thế giới. Các nhà khoa học trẻ cũng có cơ hội tham gia vào dự án để phát triển, tích lũy kinh nghiệm trong môi trường khoa học và có văn hóa nghiên cứu lành mạnh. Gần 800 tỷ đồng đã được VINIF giải ngân thông qua 7 chương trình tài trợ, giúp cho hơn 2.500 nhà khoa học trong nước tiếp cận và hiện thực hóa những ý tưởng nghiên cứu xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, VINIF cũng đã xây dựng hội đồng khoa học gồm 300 nhà khoa học là chuyên gia đầu ngành trong rất nhiều lĩnh vực. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, đóng góp vào việc lựa chọn, đánh giá các dự án tiềm năng, cũng như đồng hành, hướng dẫn và tư vấn các dự án trong suốt quá trình nghiên cứu.
Trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế, các cơ chế chính sách đang trong quá trình hoàn thiện, sự ra đời và phát triển của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup đã thổi một luồng gió mới vào môi trường nghiên cứu khoa học còn rất nhiều tiềm năng tại Việt Nam.