(TN&MT) – Thời gian qua, Sở TN&MT Bình Dương đã chủ động, tích cực triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên địa bàn tỉnh. Để Luật Bảo vệ môi trường 2020 sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, phù hợp với điều kiện thực tế, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Quang Sự – Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương xung quanh nhiệm vụ quan trọng này.
PV: Xin ông cho biết một số kết quả quan trọng bước đầu mà tỉnh Bình Dương đã đạt được sau hơn 1 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020?
Ông Ngô Quang Sự: Có thể nói, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên địa bàn tỉnh, tỉnh Bình Dương bước đầu đã thực hiện và đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, ngoài việc ban hành các Kế hoạch, Sở TN&MT cũng đã có Văn bản hướng dẫn Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT; có Văn bản đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã thống kê và lập danh sách các giấy phép môi trường đã được cấp phép và số lượng hồ sơ đăng ký môi trường.
Sở TN&MT Bình Dương đã phối hợp với Bộ TN&MT triển khai các hội nghị tập huấn riêng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, các Phòng TN&MT của các huyện, thị xã, thành phố về Luật Bảo vệ môi trường 2020; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT cho các Phòng TN&MT cấp huyện, UBND cấp xã và khoảng 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Sở TN&MT Bình Dương còn triển khai in ấn 1.000 ấn phẩm về Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT để phổ biến cho UBND các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn có vị liên quan; đồng thời, đăng thông tin trên Trang thông tin điện tử Sở TN&MT Bình Dương về những điểm mới cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường 2020; thực hiện buổi tọa đàm triển khai Luật Bảo vệ môi trường trên Báo điện tử Bình Dương.
Hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực môi trường đều được thực hiện và công bố công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, Trang thông tin điện tử Sở TN&MT Bình Dương. Trong đó, các thủ tục lĩnh vực môi trường cũng đã được Sở TN&MT Bình Dương rà soát thường xuyên. Khi có văn bản pháp luật mới ban hành, Sở TN&MT kịp thời tham mưu UBND tỉnh Bình Dương điều chỉnh hoặc bãi bỏ nội dung cũ cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Để đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp, đối với cấp tỉnh, Sở TN&MT Bình Dương đã xây dựng lại các quy trình ISO thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực môi trường. Theo đó, nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Sở TN&MT cũng đã thực hiện theo hướng giảm thời gian thụ lý một số quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân và doanh nghiệp. Kết quả, các thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường nói riêng từ năm 2022 đến nay đều được Sở TN&MT giải quyết đúng và trước thời hạn quy định.
Đặc biệt, Sở TN&MT Bình Dương đã cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cho địa phương như: Xây dựng Dự thảo Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương; xây dựng các phương án bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; xây dựng và ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2023 – 2025; xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
PV: Xin ông chia sẻ về những thuận lợi cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai, nhất là những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020?
Ông Ngô Quang Sự: Về thuận lợi, Bộ TN&MT đã kịp thời triển khai, tập huấn, hướng dẫn tỉnh Bình Dương các nội dung, điểm mới cũng như những điểm cần lưu ý khi thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương trong việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như xây dựng các quy định cụ thể của địa phương; và được sự tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện của toàn thể cán bộ, công chức của ngành ở địa phương cũng như sự quan tâm của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện các quy định mới của Luật.
Bên cạnh những mặt thuận lợi trên, trong quá trình triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên địa bàn tỉnh, Bình Dương cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định, như: một số điều khoản chuyển tiếp giữa Luật Bảo vệ môi trường và các Luật khác còn bất cập; thiếu định mức kinh tế kỹ thuật trong việc xây dựng kế hoạch nước, không khí, nhất là định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển xử lý rác thải; thiếu hướng dẫn kỹ thuật trong việc xây dựng phương án ứng phó sự cố tràn đổ chất thải; thiếu quy chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng.
PV: Để Luật Bảo vệ môi trường 2020 sớm đi vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, Sở TN&MT sẽ triển khai các giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?
Ông Ngô Quang Sự: Thời gian tới, ngoài tập trung hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh Bình Dương ban hành lại Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương, để làm cơ sở triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định của tỉnh Bình Dương cho các sở, ban, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp; Sở TN&MT Bình Dương cũng mong muốn Bộ TN&MT sớm có hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của địa phương; đồng thời, kiến nghị điều chỉnh Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật mới này cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Sở TN&MT Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của các huyện, thị xã, thành phố và từng đối tượng, nhất là các hiệp hội ngành nghề, thông qua việc lồng ghép các chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cũng như cập nhật các kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; rà soát, thống kê, hướng dẫn, nhắc nhở và đôn đốc các cơ sở thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường theo quy định nộp báo cáo đề xuất cấp gấy phép môi trường; đẩy mạnh kiểm tra sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đảm bảo tất cả các cơ sở đang hoạt động thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường được cấp giấy phép theo quy định.
Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân nhằm chủ động ngăn ngừa những vi phạm chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thực thi các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!