Cuộc phản công của Ukraine đã gặp khó, nay càng vất vả hơn khi Nga được cho là đã dùng các chiến hào giả để đánh lừa lực lượng của Kyiv.
Chiến thuật đánh lừa mới của Nga?
Theo trang Business Insider, trước cuộc phản công của Ukraine, các lực lượng Nga đã xây dựng một mạng lưới chiến hào rộng lớn, phức tạp và nhiều chướng ngại vật như hàng rào chống tăng và bãi mìn.
Tuy nhiên, trong khi nhiều chiến hào là vị trí chiến đấu thực sự của Nga, theo giới phân tích quân sự, rất nhiều cái khác chỉ là bẫy do Moscow tạo ra.
Ông Michael Kofman, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) nhận định với trang War on the Rocks vào tuần trước rằng quân đội Nga đang “tiếp tục thích nghi”.
“Họ xây dựng các chiến hào giả”, ông Kofman nói, giải thích rằng Nga cố gắng “nhử” lực lượng Ukraine vào trận địa đã được đặt loại mìn có thể kích hoạt từ xa và sau đó kích nổ.
Mối đe dọa với phản công của Ukraine đến từ “bên dưới” chứ không phải trên không
Điều này khiến cuộc phản công của Ukraine càng thêm khó khăn. Về các loại mìn chống tăng, ông Kofman nói Nga “đang tăng gấp 2, gấp 3” số lượng, chủ yếu nhắm vào các phương tiện chiến đấu tối tân mà Kyiv nhận từ phương Tây. Các binh sĩ Ukraine trên chiến trường cho biết họ cũng nhận thấy điều này.
Ông Ryan Hendrickson, cựu thành viên Lực lượng Đặc biệt của quân đội Mỹ, đã chia sẻ một số khó khăn mà nhóm ông đang gặp phải khi tình nguyện hỗ trợ Ukraine gỡ mìn. Theo ông, nhóm đã gặp những bãi mìn cực kỳ phức tạp, trong đó mìn chống tăng được bảo vệ bằng lớp mìn sát thương, còn các chất nổ khác được bao quanh bởi bẫy mìn, Business Insider đưa tin.
Bên cạnh đó, Nga cũng có rất nhiều vũ khí chống tăng và máy bay không người lái được triển khai trên tiền tuyến. Nước này cũng sở hữu các loại trực thăng tấn công đã cản đà phản công của Ukraine.
Những thách thức chính đối với người Ukraine khi họ đối mặt với những hệ thống phòng thủ này là thiếu loại vũ khí, cũng như không có khả năng thực hiện các hoạt động tác chiến kết hợp trên quy mô lớn.
Liệu Ukraine có đang vượt qua Nga về số lượng xe tăng?
Phương Tây hỗ trợ Ukraine sửa vũ khí
Trang Politico dẫn lời ông William LaPlante, quan chức phụ trách công tác mua sắm vũ khí của Lầu Năm Góc cho biết trọng tâm hỗ trợ từ phương Tây đối với Ukraine vào lúc này đã được chuyển từ gửi sang sửa chữa và bảo dưỡng trang thiết bị sự.
Ngay cả trước khi Ukraine phát động phản công vào mùa hè này, các đồng minh đã lo rằng những nỗ lực duy trì hoạt động của các thiết bị được viện trợ đang tụt hậu so với nhu cầu trên chiến trường. Vào lúc này, nhu cầu sửa chữa để đưa các thiết bị này quay trở lại cuộc chiến thậm chí còn trở nên cấp bách hơn.
Ông LaPlante đang dẫn đầu một nhóm nhóm công tác gồm 22 quốc gia do Mỹ, Ba Lan và Anh dẫn đầu mà một trong những nhiệm vụ chính là triển khai kế hoạch đảm bảo các thiết bị hiện đại trị giá hàng tỉ USD hoạt động tốt để Kyiv có thể tiếp tục phản công.
Tỷ lệ sẵn sàng của thiết bị là mối quan tâm lớn đối với Kyiv kể từ đầu chiến sự. Nga có các kho dự trữ lớn và có thể đưa đến chiến trường hầu như bất kỳ lúc nào. Ngược lại, Ukraine đang chật vật với các thiết bị hàng chục năm tuổi từ thời Liên Xô. Nếu các vũ khí bị hư hại nghiêm trọng, Kyiv chỉ có thể trông chờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài như Ba Lan và Cộng hòa Czech. Điều này đặc biệt nguy hiểm bởi vũ khí được vận chuyển đi rất xa, làm tăng nguy cơ bị Nga phát hiện.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ Ukraine vẫn đang gặp 1 số vấn đề. Kế hoạch thành lập một trung tâm sửa chữa chung ở Ba Lan dành cho xe tăng Leopard 2 của Ukraine đã thất bại do bất đồng về chi phí giữa Ba Lan và Đức, theo Politico.
Đức, Ba Lan bất đồng về trung tâm sửa chữa xe tăng cho Ukraine
Chính phủ Anh đã thành công hơn khi hành động đơn phương, ký một thỏa thuận trị giá 60 triệu USD (1,41 nghìn tỉ đồng) với công ty quốc phòng Babcock của nước này trong tháng 7, để sửa chữa xe tăng Challenger 2 và các phương tiện chiến đấu khác được chuyển cho Ukraine.
Ông LaPlante cho biết Mỹ cũng đã dịch hơn 700 hướng dẫn kỹ thuật sử dụng các hệ thống vũ khí sang tiếng Ukraine và đã vận động nhiều công ty quốc phòng trên toàn cầu hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các hệ thống.
Nhóm công tác cũng đang tổ chức một loạt phiên họp với các công ty quốc phòng của Mỹ và châu Âu để hiểu thêm những gì họ có thể làm để giúp đỡ cả trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt tập trung vào cách sản xuất đạn pháo, loại vũ khí Ukraine đang tiêu hao nhanh chóng.