Vận dụng Nghị quyết 98 để phát triển KH-CN
Chiều 20-7, Đảng bộ Sở KH-CN TPHCM tổ chức hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ sở lần thứ 8, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đến dự.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu Đảng bộ Sở KH-CN tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm và của nhiệm kỳ, đề ra các giải pháp thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất, đồng bộ nhất để phát huy đúng vị trí, vai trò của KH-CN trong phát triển thành phố.
Nhận xét KH-CN có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động của các ngành nghề, lĩnh vực, đồng chí yêu cầu Sở KH-CN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những vấn đề liên quan, kể cả về thể chế chính sách, đầu tư hạ tầng, giáo dục… để nâng cao chất lượng ứng dụng KH-CN trong các hoạt động kinh tế – xã hội, trong lĩnh vực công của thành phố.
Trong đó, cần quan tâm hơn đến việc thành lập các nhóm nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia có nhiều thực tiễn, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm để góp ý cho thành phố. Đồng thời, cần nghiên cứu sâu, đề xuất có tính chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực để nâng năng suất phát triển chung.
Về đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2025 (Đề án 672), đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu phải phát triển gắn với chuyên ngành cụ thể, lĩnh vực cụ thể. Bởi TPHCM là trung tâm, nơi hội tụ các nguồn lực thì phải phát triển cao hơn các địa phương khác. Do đó, đồng chí yêu cầu Sở KH-CN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về cơ chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực và sớm hình thành viện công nghệ tiên tiến của thành phố.
Đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu Sở KH-CN nghiên cứu, vận dụng các cơ chế tại Nghị quyết 98 để phát triển KH-CN |
Với nhiệm vụ xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi đặt yêu cầu cần phải xây dựng trung tâm thành trung tâm của vùng, của quốc gia và phải mang tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, nếu tiếp cận các thể chế, quy định hiện tại thì không thể làm được điều này mà phải nghiên cứu các cơ chế mới, vận dụng Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM để xây dựng trung tâm như một “Sandbox”. Tương tự, các trung tâm khác cũng phải nghiên cứu các cơ chế đặc thù. Ngoài “Sandbox” cho các trung tâm này hoạt động thì cần có liên kết, các mô hình, mạng lưới để phát triển.
Phân tích các yếu tố về KH-CN của TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý, muốn xây dựng TPHCM thành trung tâm KH-CN của khu vực, mang tầm quốc tế thì trước hết phải nâng được năng lực của thành phố. Trong đó có năng lực về tư duy, hoạch định của lãnh đạo, của các cơ quan chuyên môn; nâng cao năng lực tiếp nhận. Về thể chế phải nghiên cứu để đề xuất, nhất là việc phát huy các cơ chế từ Nghị quyết 98, kết nối hợp tác quốc tế để quy tụ các nguồn lực về TPHCM. Đồng chí khẳng định nguồn lực KH-CN quy tụ rất lớn ở TPHCM, vấn đề quan trọng là làm sao quy tụ hết được các nguồn lực này để phát triển KH-CN và phát triển thành phố.
Nhận xét Đảng bộ Sở KH-CN duy trì nền nếp trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý việc duy trì nền nếp phải đi đôi với nâng cao chất lượng, gắn với nhiệm vụ trọng tâm. Nội dung sinh hoạt phải mang tinh thần KH-CN, khuyến khích đổi mới sáng tạo và gắn KH-CN với cuộc sống. Đồng thời, phải làm sao để cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức được vai trò của KH-CN, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của thành phố.
Phát huy vai trò hạt nhân của KH-CN
Trải qua nửa nhiệm kỳ, Sở KH-CN phát huy tốt vai trò hạt nhân trong hoạt động KH-CN của thành phố; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường viện và tổ chức KH-CN trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến các hoạt động phát triển hạ tầng KH-CN như xây dựng đề án đầu tư, phát triển Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thành phố…
Giai đoạn 2021-2023 Sở KH-CN đã tham mưu UBND TPHCM ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng KH-CN và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố.
Đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố như: hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ ươm tạo, phát triển các dự án khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm…
Qua đó, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần thúc đẩy đầu tư của xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ; kết quả hoàn thành trên 75% các chỉ tiêu của Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2025 (Đề án 672).
Qua nửa nhiệm kỳ, Sở KH-CN đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo |
Sở KH-CN nhận định sự phát triển KH-CN trong thời gian qua tại TPHCM dù có nhiều giải pháp nhưng vẫn còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và quản lý đô thị của thành phố. Đầu tư của xã hội cho KH-CN vẫn chưa tương xứng, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho KH-CN để phát triển sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Mối liên kết trong hoạt động KH-CN giữa trường – viện và doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa thực sự chặt chẽ và bền vững.
Nửa sau của nhiệm kỳ, Sở KH-CN đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt trên 45%; Chi đầu tư cho KH-CN của xã hội đạt 1%/GRDP. Tỷ lệ ứng dụng kết quả sau nghiệm thu của nhiệm vụ KH-CN đạt trên 70%; ứng dụng trực tiếp cho doanh nghiệp đạt 60%. Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt 50% so với cả nước.