Hiện nay, đăng ký nguyện vọng đại học đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các thí sinh. Nhiều em cảm thấy băn khoăn không biết ưu tiên nguyện vọng theo thứ tự như thế nào cho hợp lý.
Đây cũng là vấn đề đã được đề cập và giải đáp tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đang diễn ra tại Đại học Bách Khoa Hà Nội sáng 22/7.
Theo Tiến sĩ Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thí sinh có thể đặt các nguyện vọng với số lượng tùy ý, tuy nhiên chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng.
Vì vậy, ông Nghệ cho rằng, ngành học mà thí sinh yêu thích nhất sẽ phải ưu tiên đặt làm nguyện vọng 1. Những nguyện vọng các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng các em vẫn còn băn khoăn, chưa xác định sẽ học, thì không nên đặt ở nguyện vọng 1.
Bởi vì nếu trượt nguyện vọng 1 – nguyện vọng yêu thích nhất, các em sẽ lần lượt được xét đến những nguyện vọng vọng 2, 3, 4… tiếp theo.
Ông Phạm Như Nghệ nhấn mạnh lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng là quyền của thí sinh. Thí sinh là những người đưa ra quyết định cuối cùng. Không trường đại học nào có thể “ép” thí sinh đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm lên làm nguyện vọng.
Ông đề nghị các thí sinh phải bình tĩnh và mạnh dạn lựa chọn nguyện vọng mình yêu thích nhất lên đầu tiên, không bị tác động của các yếu tố bên ngoài.
“Trong quá trình lựa chọn nguyện vọng, các em sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố. Bên cạnh sự yêu thích là điểm thi, điểm chuẩn và cả điều kiện kinh tế của gia đình. Các em hãy suy nghĩ thật kỹ và đưa ra quyết định cuối cùng của mình trước 17h ngày 30/7”, TS Phạm Như Nghệ nói.
Cũng liên quan đến đăng ký xét tuyển đại học, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết tới thời điểm này mới chỉ có khoảng 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Trong đó có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất.
Bà Thủy khuyên không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng mà nên có một số nguyện vọng. Vì nếu có rủi ro cho thí sinh thì hệ thống của Bộ còn xét tuyển tiếp để thí sinh có được các cơ hội khác. Thí sinh cần lưu ý xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu.
Khuyên thí sinh “không bỏ trứng hết vào một giỏ”, nhưng bà Thủy cũng cho rằng có thí sinh đăng ký cả trăm nguyện vọng là không cần thiết.
Bà Thủy cũng lưu ý theo thực tế từ năm trước, nhiều thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Và các trường hợp như vậy đã đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.
Vì cho dù thí sinh được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện thì thí sinh vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí đầy đủ với các nguyện vọng có đăng ký.