Sáng 21/7, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học.
Dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí lãnh đạo BHXH Việt Nam, đại diện các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí lãnh đạo BHXH tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan và đại diện các phòng chuyên môn BHXH tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06). Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức.
BHXH Việt Nam cũng đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho CSDL và các Hệ thống thông tin của ngành; xây dựng, triển khai CSDL quốc gia về bảo hiểm; kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương; cập nhật, đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư; triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip; thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC; triển khai cung cấp, liên thông các TTHC, DVC trực tuyến; triển khai ứng dụng VssID; phối hợp triển khai VNeID, Sổ sức khỏe điện tử; hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam…
Những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH; các Bộ, ngành, địa phương cũng được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về bảo hiểm; nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân.
Đây cũng là tiền đề và động lực để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao của công tác chuyển đổi số và Đề án số 06 của Chính phủ trong 06 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo
Tại tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, cơ quan BHXH tỉnh và các huyện, thành phố đã triển khai các giải pháp kỹ thuật phục vụ sử dụng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT.
Tính đến ngày 30/6/2023, đã đồng bộ ĐDCN/CCCD (định danh cá nhân/căn cước công dân) cho gần 828.000 người, bằng gần 92% trên tổng số người cơ quan BHXH quản lý cấp thẻ BHYT.
Đã có 247.789 người đăng ký cài đặt VssID, trong đó có 202.774 người đăng nhập, đạt gần 90% kế hoạch giao. Số đơn vị sử dụng lao động đăng ký giao dịch BHXH điện tử là 3.747 đơn vị, tỷ lệ đạt 94,5% so với tổng số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, tăng 298 đơn vị so với cùng kỳ năm 2022.
Tin, ảnh: Hạnh Chi