Nhà Dưỡng lão và an dưỡng (tổ 1 Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) thuộc Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công – Công tác xã hội tỉnh được xem là mái nhà chung, ấm áp nghĩa tình của những người có công với cách mạng, có hoàn cảnh khó khăn, không có người thân chăm sóc. Thế nhưng, số lượng người có công được nuôi dưỡng tại đây ngày càng thu hẹp, hiện nay chỉ còn 4 người, gây lãng phí cơ sở vật chất. Việc mở rộng tiếp nhận các trường hợp người có công có nhu cầu vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây là cần thiết.
Không sử dụng hết công năng
Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, không có người thân chăm sóc, năm 1982, UBND tỉnh đầu tư xây dựng Nhà Dưỡng lão và an dưỡng. Từ đó, nơi đây đã trở thành mái nhà chung, ấm áp nghĩa tình của nhiều người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đến đây sinh sống, an dưỡng tuổi già. Có thời điểm, nhà dưỡng lão tiếp nhận, nuôi dưỡng hơn 70 người có công. Tất cả dưỡng lão viên đến ở đây được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
|
Sau 3 lần thay đổi địa điểm, đến tháng 8-2020, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở Nhà Dưỡng lão và an dưỡng mới khang trang, sạch đẹp tại phường Vĩnh Hòa, với diện tích hơn 2.000m2, có khả năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 20 người có công với cách mạng. Tuy nhiên, theo thời gian, vì tuổi cao sức yếu, bệnh tật nên có nhiều người đã qua đời, hiện chỉ còn 4 cụ sinh sống. Bên cạnh đó, Nghị định 131 ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã bó hẹp đối tượng được nuôi dưỡng tập trung. Theo đó, đối với những thương bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng nếu sống cô đơn thì được Nhà nước nuôi dưỡng tập trung. Đồng thời, tại Điều 111 Nghị định 131 quy định, đối tượng được nuôi dưỡng tập trung ở cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công của địa phương, trong trường hợp đặc biệt do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) xem xét, quyết định việc tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng. Chính từ quy định này nên thời gian qua, Nhà Dưỡng lão và an dưỡng không thể tiếp nhận đối tượng mới vào nuôi dưỡng. Trong khi đó, đối tượng phù hợp với quy định của Nghị định 131 trên địa bàn tỉnh còn rất ít và đều có con cháu phụng dưỡng chăm sóc. Từ đó, dẫn đến không sử dụng hết công năng, gây lãng phí cơ sở vật chất.
Bà Hoàng Thị Dung (75 tuổi), đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây chia sẻ: “Trước đây, nhà dưỡng lão luôn có nhiều người cùng cảnh ngộ để tâm sự, sẻ chia, động viên, cùng nhau luyện tập thể dục, văn nghệ. Giờ đây, chỉ còn 4 người nên không khí trở nên buồn tẻ”.
Cần mở rộng tiếp nhận các trường hợp có nhu cầu
Bà Trần Thị Ngọc Thùy – Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công – Công tác xã hội tỉnh cho biết, nhiều lần đơn vị tính mở dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người có công có thu phí, nhưng do công năng cơ sở hạn chế nên không thể thực hiện được. Do vậy, để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, đảm bảo hoạt động, Bộ LĐ-TB-XH, UBND tỉnh cần xem xét mở rộng đối tượng được tiếp nhận vào Nhà Dưỡng lão và an dưỡng.
Theo ông Tạ Hồng Quang – Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang quản lý chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với 6.445 người có công và thân nhân người có công. Trong đó, một số người điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có người thân thường xuyên chăm sóc chu đáo, có nhu cầu và nguyện vọng được vào sinh sống tại Nhà Dưỡng lão và an dưỡng nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Nghị định 131. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc người có công, phát huy hiệu quả và phù hợp cơ sở vật chất hiện có, sở đã tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH cho phép địa phương mở rộng tiếp nhận 3 nhóm đối tượng người có công có nhu cầu và nguyện vọng vào nuôi dưỡng tập trung tại Nhà Dưỡng lão và an dưỡng. Cụ thể gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng đảm bảo điều kiện theo quy định. Nhưng đến nay, Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa có văn bản trả lời.
VĂN GIANG