Các tuyển thủ nữ đã thực hiện giấc mơ World Cup cho Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Báo The New York Times ngày 17/7 đăng bài viết của ký giả Jere Longman bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của Bóng đá Nữ Việt Nam khi Đội tuyển Nữ Việt Nam lần đầu tiên góp mặt tại một Vòng Chung kết Bóng đá Nữ Thế giới (World Cup).
Theo tờ báo này, khi Việt Nam thành lập Đội tuyển Bóng đá Nữ Quốc gia đầu tiên vào năm 1997, các cầu thủ phải mặc những chiếc áo quá khổ dành cho đội nam .
Đôi khi, đội phải đi một tiếng rưỡi từ Thành phố Hồ Chí Minh để đến địa điểm tập luyện. Một số cầu thủ thậm chí phải mưu sinh bằng công việc bán bánh mỳ để có thể tiếp tục sự nghiệp thi đấu.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cơ quan quản lý bóng đá trong nước, mãi đến năm 1989 mới được thành lập. Trong những ngày đầu thành lập, bóng đá được nhiều người coi là môn thể thao dành cho nam giới.
Do đó, bóng đá dường như không phải là một lựa chọn nghề nghiệp đáng mơ ước cho các cô gái. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ không muốn cho con gái mình theo đuổi môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực này.
Một phần tư thế kỷ sau, Việt Nam vươn mình trở thành một trong những đội bóng nữ thống trị Đông Nam Á. Trong tháng 7, Đội tuyển Bóng đá Nữ Việt Nam sẽ lần đầu tiên tham dự World Cup 2023, bắt đầu bằng trận đấu với Đội tuyển Mỹ, nhà đương kim Vô địch.
Sự tham gia của Việt Nam là kết quả của kế hoạch phát triển bóng đá nữ kéo dài gần một thập kỷ, một phần thông qua việc tăng số đội tham dự World Cup từ 16 lên 24 và hiện tại là 32 đội, biến giải đấu năm nay trở thành giải đấu lớn nhất trong lịch sử.
Đây là khoảnh khắc quan trọng nhất đối với bóng đá Việt Nam và những đội tuyển lần đầu tham dự khác như Haiti, Ireland, Maroc và Philippines.
Điều này đồng nghĩa với việc các cầu thủ nữ sẽ trở nên nổi tiếng hơn và nhận về các khoản tài trợ và cả những phần thưởng tài chính khi Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), cơ quan quản lý bóng đá toàn cầu, đã hứa thưởng ít nhất 30.000 USD cho mỗi cầu thủ tham gia giải đấu năm nay.
Nhưng cũng chính việc mở rộng số đội tham dự sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng cạnh tranh nghiêm trọng khi những đội mới tham dự phải đối đầu với những đối thủ giỏi nhất thế giới.
Bài viết về Đội tuyển Bóng đá Nữ Việt Nam đăng trên tờ The New York Times.
Việt Nam đã vượt qua kình địch Thái Lan để tham dự World Cup Nữ 2023. Nhưng Việt Nam cũng chịu áp lực tránh lặp lại màn trình diễn đáng xấu hổ, như trận thua 13-0 của Thái Lan trước Mỹ tại World Cup Nữ 2019.
“Chúng tôi đã chứng kiến thất bại của Thái Lan, và đó là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam,” Huỳnh Như, tiền đạo ngôi sao của Đội tuyển Nữ Việt Nam chia sẻ.
Tham dự World Cup Nữ là cách Đội tuyển Nữ Việt Nam thể hiện niềm tự hào dân tộc và khẳng định thành tích thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Trong lời chào mừng các cầu thủ trở về sau khi giành quyền tham dự Vòng Chung kết World Cup Nữ 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi họ là “những cô gái kim cương.”
Các cầu thủ được diễu hành trên chiếc xe buýt hai tầng qua các tuyến phố của Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các trận đấu của Đội tuyển Nữ Việt Nam tại World Cup Nữ 2023 sẽ được phát trực tiếp trên nhiều nền tảng truyền thông để khán giả nhà theo dõi và cổ vũ.
Báo The New York Times bình luận: “Đội tuyển Nữ Việt Nam đã đi xa hơn bất kỳ ai. Những người phụ nữ Việt Nam giờ đây đã trở thành đại diện của quốc gia.”
Bài báo cũng kể lại câu chuyện của Nguyễn Thị Bích Thùy, từ cô gái nhỏ bị gia đình phản đối khi theo sự nghiệp bóng đá đến người hùng giúp Đội tuyển Nữ Việt Nam giành quyền tham dự World Cup.
Bích Thùy đã ghi bàn thắng quan trọng nhất cho Đội tuyển Nữ Việt Nam bằng một cú chạm bóng khéo léo bằng chân phải và một cú sút quyết đoán mang tính lịch sử bằng chân trái mang về chiến thắng 2-1 trong trận play-off trước Đài Bắc (Trung Hoa) năm 2022.
Chia sẻ về bàn thắng này, Bích Thủy cho biết: “Bây giờ tôi vẫn còn cảm giác nó như một giấc mơ vậy. Cha tôi luôn kỳ vọng rất nhiều vào tôi. Tôi tin chắc cha tôi sẽ rất vui khi thấy điều đó.”
Câu thủ Huỳnh Như ký tặng người hâm mộ. (Ảnh: Trương Anh Ngọc/TTXVN)
Còn Huỳnh Như, ngôi sao số một của đội, được bố mẹ ủng hộ vô điều kiện. Cha cô, một cựu cầu thủ, bắt đầu huấn luyện khi cô mới 3 hoặc 4 tuổi.
Huỳnh Như sẽ lĩnh xướng hàng công của Đội tuyển Bóng đá Nữ Việt Nam, với nhiệm vụ ghi bàn tại World Cup – mục tiêu khả thi hơn là mong đợi giành chiến thắng trong một bảng đấu “tử thần” bao gồm Mỹ, Hà Lan (Á quân World Cup 2019) và Bồ Đào Nha.
Tờ báo hàng đầu nước Mỹ đánh giá rất cao Huỳnh Như, đặc biệt nhấn mạnh hành trình xuất ngoại của tiền đạo gốc Trà Vinh khi tới khi đấu cho Lank FC của Bồ Đào Nha.
Theo The New York Times, hơn bất kỳ cầu thủ Việt Nam nào, Huỳnh Như, 31 tuổi, đại diện cho khả năng và xóa nhòa sự bất bình đẳng với bóng đá nữ trên toàn thế giới.
Cô là cầu thủ nữ đầu tiên của Việt Nam chơi cho một đội bóng châu Âu, đã ghi được 7 bàn thắng trong mùa giải vừa qua cho Lank FC ở giải Vô địch quốc gia Bồ Đào Nha.
Sau World Cup, Huỳnh Như dự kiến sẽ gia hạn hợp đồng với câu lạc bộ, được cho là đã đề nghị tăng lương gấp đôi cho cô lên 3.000 euro (khoảng 3.200 USD mỗi tháng)./.