Tham dự họp báo có Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Tại cuộc họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố các luật: Luật Giá, Luật Phòng thủ dân sự; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Các luật này đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ năm.
Giới thiệu về Luật Phòng thủ dân sự, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình nhấn mạnh, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Đây là vấn đề lớn đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Hiện nay, trên thế giới, đa số quốc gia bằng hình thức hoặc tên gọi khác nhau đều ban hành đạo luật riêng nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phòng thủ dân sự.
Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, ngày 20-6-2023, tại Kỳ họp thứ năm (Quốc hội khóa XV), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng thủ dân sự với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao (94,94%).
Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 55 điều. Trong đó, chương I quy định những quy định chung của luật như: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự; thông tin về sự cố, thảm họa; cấp độ phòng thủ dân sự; khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự; hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự và các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II về hoạt động phòng thủ dân sự, quy định về hoạt động phòng ngừa sự cố, thảm họa; hoạt động phòng thủ dân sự khi có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa và khi xảy ra sự cố, thảm họa.
Trong đó có một số nội dung trọng tâm như: Chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự; hoạt động theo dõi, giám sát, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, huấn luyện phòng thủ dân sự. Thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng thủ dân sự. Các biện pháp áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3, tình trạng khẩn cấp và tình trạng chiến tranh, biện pháp khắc phục thảm họa, sự cố, cứu trợ, hỗ trợ thiệt hại…
Chương III về chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự. Theo đó, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước.
Lực lượng phòng thủ dân sự gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi. Trong đó, lực lượng nòng cốt gồm dân quân tự vệ và dân phòng; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, địa phương. Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
Chương IV về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự. Chương V về nguồn lực cho phòng thủ dân sự; Quỹ phòng thủ dân sự và chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự.
Chương VI về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự. Chương VII về điều khoản thi hành. Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng thủ dân sự. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực phòng thủ dân sự quốc gia nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế.
Trao đổi về một số vấn đề liên quan đến Luật Phòng thủ dân sự tại cuộc họp báo, trong đó có quy định về cấp độ phòng thủ dân sự và sự khác biệt so với quy định tại các luật chuyên ngành khác, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cho biết, cấp độ phòng thủ dân sự quy định trong luật để xác định cấp độ công tác chuẩn bị của địa phương, lực lượng chức năng nhằm ứng phó với rủi ro.
Trong khi đó, các luật chuyên ngành xác định theo mức độ rủi ro, ví dụ mức độ rủi ro về thiên tai. Còn cấp độ phòng thủ dân sự là công tác chuẩn bị của địa phương, chính quyền, người dân, lực lượng chức năng nhằm ứng phó với rủi ro có thể xảy ra. Cùng một cấp độ rủi ro nhưng các địa phương khác nhau có thể áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau.
Theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, có những trường hợp thiên tai, tình huống về quốc phòng, an ninh chưa đến mức tình trạng khẩn cấp nhưng nhu cầu địa phương cần áp dụng ngay một số biện pháp trong khi chưa có quy định để thực hiện. Thực tiễn đặt ra vấn đề giữa trạng thái bình thường và tình trạng khẩn cấp cách nhau quá xa, cần có các trạng thái trung gian. Các cấp độ phòng thủ dân sự chính là trạng thái trung gian đó. Cấp độ phòng thủ dân sự khác hẳn với cấp độ rủi ro và quy định này đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra.