Theo đồng chí Hồ Xuân Hậu, TUV, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07 để các phòng, ban, đơn vị làm cơ sở thực hiện.
Còn theo đồng chí Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: “Là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái, khí hậu thuận lợi cho cây đa mục đích…, việc nhận diện và chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp của Huyện ủy Tuy Đức là hoàn toàn phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương”.
Thực hiện nghị quyết, Tuy Đức đã tập trung nguồn lực, khoa học kỹ thuật, khai thác lợi thế để phát triển NNƯDCNC. Năm 2022, huyện kiện toàn Hội Khoai lang Tuy Đức, đầu tư khoảng 10ha khoai lang Nhật Bản theo quy trình VietGAP với kinh phí 566 triệu đồng. Mô hình này đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 15 tấn/ha, chất lượng củ loại 1 đạt trên 80%. Tuy Đức, trồng được 2.130ha cây mắc ca, trong đó có 1.240 ha đã cho thu hoạch với tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng trên 1.350 tấn.
Địa phương cũng đã xây dựng được 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Tuy Đức đang tiếp tục hỗ trợ 3 cơ sở lập hồ sơ đề nghị đánh giá, xếp hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Huyện hiện có 19 hợp tác xã đang hoạt động.
Bên cạnh đó, Huyện ủy cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm góp phần đạt được mục tiêu đề ra về đẩy mạnh phát triển NNƯDCNC, mở rộng, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh.
Trên cơ sở hai đề án về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển vùng NNƯDCNC, Tuy Đức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và ưu tiên nguồn lực thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Việc tích cực vận động Nhân dân đẩy mạnh thâm canh, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm được chú trọng.
Quá trình thực hiện các đề án bước đầu đạt được một số mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và có bước tăng trưởng bình quân trên 7,5%/năm. Đến cuối năm 2022, tỷ trọng trồng trọt chiếm 86,5%, chăn nuôi chiếm 9,7%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 3,8%. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất trồng trọt đạt 90 triệu đồng/ha. Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục khẳng định thế mạnh của huyện với diện tích đạt 40.536 ha (tăng 19% so với 2018).
Một số vùng chuyên canh cây trồng như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, rau xanh, khoai lang, mắc ca…đã hình thành và phát triển theo quy hoạch, gắn với an toàn dịch bệnh. Nhiều người dân đã ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp ở một số khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch và chế biến. Tỷ lệ sử dụng giống mới các loại cây trồng chính của huyện đạt từ 80-95%, năng suất tăng từ 5-10%.
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Đức mới đây, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, thực hiện khâu đột phá về NNƯDCNC, huyện Tuy Đức đã quy hoạch được một số vùng sản xuất. Đối với một số sản phẩm có tiếng trên thị trường, địa phương có giải pháp thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Bởi nếu không thành lập thì khó tạo được chuỗi giá trị, sản phẩm không đủ sẽ khó quảng bá, giới thiệu.
“Để hiện thực hóa khâu đột phá NNƯDCNC, một mình huyện Tuy Đức thì không thể làm được mà cần có hỗ trợ của các sở, ngành, hội, đoàn thể. Do đó, các đơn vị cần có sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm, sâu sát địa bàn vì sự phát triển của địa phương nhất là giải quyết khó khăn vướng mắc cũng như các nhiệm vụ nghị quyết đề ra”, đồng chí Lưu Văn Trung đề nghị.