Người đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày 6/4. Các cuộc hội đàm, bao gồm cả song phương và ba bên, được cho là có thể định hướng cho các mối quan hệ trong tương lai sau nhiều năm căng thẳng.
Ông Macron, người đã đến Bắc Kinh vào cuối ngày 5/4, nói với các phóng viên rằng châu Âu không được “tách rời” khỏi Trung Quốc về kinh tế.
“Chúng ta không được tự tách mình ra khỏi Trung Quốc”, ông Macron phát biểu trước một cuộc họp mặt của cộng đồng người Pháp ở Bắc Kinh, đồng thời cho biết Pháp sẽ “chủ động cam kết tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại với Trung Quốc”.
Trong khi đó, trong một bài phát biểu hồi cuối tháng 3, bà Von der Leyen cho biết việc “tách rời” hoàn toàn khỏi Trung Quốc không phải là lợi ích của châu Âu, thay vào đó, khối nên xem xét “giảm thiểu rủi ro” về ngoại giao và kinh tế.
Chuyến thăm diễn ra khi châu Âu và Trung Quốc cố gắng vượt qua những khác biệt ngày càng tăng trong những năm gần đây, từ cạnh tranh công nghệ, đến tình hình ở eo biển Đài Loan và việc mối quan hệ song phương xấu đi chủ yếu là do hiệp ước đầu tư bị đình trệ vào năm 2021 và việc Bắc Kinh từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Vào năm 2022, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn thứ ba của EU và là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của khối – đây là một chỉ số quan trọng cho thấy mối quan hệ giữa hai bên thực sự nằm ở đâu.
“Chuyến thăm của ông Macron dự kiến sẽ tạo ra kết quả cụ thể trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Pháp, cũng như tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị”, tờ Global Times cho biết trong một bài xã luận đăng hôm 6/4.
Ông Macron sẽ gặp Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) lần đầu tiên tại Đại lễ đường Nhân dân, trước khi Thủ tướng Trung Quốc dùng bữa trưa bàn công việc với bà von der Leyen, người sẽ có chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc kể từ khi trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) vào cuối năm 2019.
Cuối buổi chiều, ông Macron và bà von der Leyen sẽ có các cuộc hội đàm riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi cả ba tổ chức hội đàm ba bên vào buổi tối.
Cả Tổng thống Pháp và Chủ tịch EC đều cho biết họ muốn thuyết phục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để mang lại hòa bình ở Ukraine, hoặc ít nhất là ngăn chặn Bắc Kinh hỗ trợ trực tiếp cho Moscow trong cuộc xung đột.
Ông Macron được tháp tùng bởi phái đoàn gồm đại diện hơn 50 doanh nghiệp lớn của Pháp, như gã khổng lồ sản xuất máy bay Airbus, thương hiệu thời trang xa xỉ LVMH và nhà sản xuất năng lượng hạt nhân EDF. Dự kiến các thỏa thuận với Trung Quốc sẽ được công bố trong khuôn khổ chuyến thăm.
Minh Đức (Theo Reuters, DW, Euronews)