Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi dự thảo Luật Đường bộ để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan, trong đó đề xuất luật hóa niên hạn sử dụng của xe cơ giới.
Hiện Nghị định 95/2009 chỉ quy định chung niên hạn xe chở hàng và niên hạn xe chở người.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất luật hóa và quy định rõ hơn về đối tượng. Trong đó, nêu rõ 2 nhóm phải quy định niên hạn gồm: Xe ô tô chở hàng (xe ô tô tải) và ô tô kinh doanh vận tải chở từ 10 người trở lên. Như vậy, ô tô chở người đến 9 chỗ (xe gia đình) không có niên hạn sử dụng.
Theo đó, dự thảo đề xuất niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng (xe ô tô tải) không quá 25 năm và xe ô tô chở từ 10 người trở lên (kể cả người lái) – xe khách, không quá 20 năm.
Niên hạn sử dụng của xe được tính từ năm sản xuất. Theo cơ quan soạn thảo, việc luật hóa niên hạn sử dụng đối với xe kinh doanh vận tải là cần thiết. Từ đó tạo ra khung pháp lý để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dưới luật một cách cụ thể hơn.
Trao đổi với PV VietNamNet về đề xuất này, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho rằng, về lâu dài, không nên quy định niên hạn.
“Vì chất lượng mỗi xe đảm bảo an toàn là khác nhau. Điều này căn cứ vào từng thương hiệu xe cũng như tình trạng sử dụng bảo dưỡng sửa chữa của mỗi xe cũng khác nhau”, ông Quyết nói.
Do đó, ông Đào Công Quyết kiến nghị Chính phủ cần xây dựng quy định rõ ràng trách nhiệm người sử dụng phải thực hiện bảo dưỡng sửa chữa xe theo đúng quy định của nhà sản xuất.
“Nhà sản xuất chịu trách nhiệm cung cấp sản phẩm, dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa cho khách hàng theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý của Nhà nước xây dựng quy định và thực hiện kiểm tra giám sát chất lượng xe đảm bảo an toàn, loại bỏ xe không an toàn bằng tiêu chuẩn kỹ thuật chứ không phải bằng niên hạn”, ông Quyết nói.
Nêu quan điểm, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh, quy định này nhằm mục tiêu tiến tới loại bỏ những xe cũ nát, thay thế bởi những ô tô mới. Bởi trên thực tế, xe đời mới bao giờ cũng an toàn hơn, nhiều tính năng vượt trội hơn.
“Sử dụng xe cũ quá không chỉ ảnh hưởng đến an toàn, ảnh hưởng đến môi trường mà còn nhiều vấn đề khác. Do đó, quy định này là cần thiết nhằm loại bỏ các xe có chất lượng kém”, ông Tạo phân tích.
Ví xe cũng phần nào giống như con người, ông Tạo dẫn chứng có người 45 tuổi đã phải nghỉ mất sức nhưng có người 60 tuổi sức khỏe vẫn đáp ứng yêu cầu công việc. Vì thế, nếu quy định cứng nhắc xe ô tô theo số năm sản xuất cũng chưa hẳn đã chuẩn xác.
“Nếu quy định được thực thi có thể sẽ loại bỏ nhiều ô tô còn tốt. Trong khi đó cũng sẽ xảy ra tình huống có xe dù chưa đến niên hạn loại bỏ nhưng chất lượng đã rất kém.
Chất lượng mỗi xe phụ thuộc vào quá trình khai thác, chế độ bảo dưỡng sữa chữa của từng chủ phương tiện. Do đó, nếu cào bằng tất cả xe tải chỉ được sử dụng trong vòng 25 năm hay 20 năm đối với xe khách theo tôi chưa tận dụng được hết cơ sở vật chất của xã hội phục vụ cho con người”, TS Khương Kim Tạo bày tỏ.
Ông Tạo kiến nghị nên có giải pháp kiểm soát chất lượng phương tiện cũng như khí thải của xe bằng kỹ thuật – căn cứ vào chất lượng của từng xe để quyết định xe đó có đủ điều kiện tiếp tục lưu hành hay không?.
“Theo tôi, sau khi hết niên hạn 20, 25 năm, chúng ta nên kiểm tra, đánh giá xem xe nào vẫn đủ điều kiện thì nên cho phép lưu thông. Việc đánh giá xe đủ điều kiện, chất lượng để tiếp tục sử dụng sẽ do cơ quan chức năng thực hiện với máy móc đánh giá chính xác. Tuy nhiên, cũng phải có quy định cụ thể cho việc này để tránh tiêu cực phát sinh”, ông Tạo lưu ý.