Chiều 20.7, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới”.
Doanh nghiệp vẫn khó vay vốn rẻ
Đánh giá về việc chuyển hướng chính sách tiền tệ từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang hướng “linh hoạt, nới lỏng” của Chính phủ, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), cho rằng điều này rất đúng với nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay.
Ông Tuấn ví von doanh nghiệp như các mảnh ruộng đang khô hạn và Chính phủ đang cố gắng tạo nguồn nước để tưới cho các mảnh ruộng này. “Hoạt động kinh doanh thì cần vốn, vốn với doanh nghiệp như trồng trọt cần nước vậy. Khi bị thiếu nước thì rõ ràng nông nghiệp không thể phát triển, giống như doanh nghiệp thiếu vốn thì chắc chắn gặp khó khăn”, ông Tuấn nêu.
Theo ông, trong cả năm 2022, dòng vốn với doanh nghiệp rất khó khăn, nhất là khi dòng vốn từ trái phiếu gặp khó. Đơn hàng giảm, vay vốn ngân hàng thì lãi suất rất cao…
“Hiện, nhiều doanh nghiệp cho biết vay được vốn rẻ vẫn đang rất khó. Cho nên, những chính sách này phải đi nhanh vào thực tiễn, làm sao để doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất hợp lý, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Tuấn nêu.
Đáng chú ý, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho biết nhiều doanh nghiệp đang khốn khổ vì bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
“Có doanh nghiệp sản xuất nội địa có hàng xuất khẩu tới gần 100 thị trường trên thế giới gửi cả bộ hồ sơ đến VCCI nói họ rất khốn khổ do bị chậm hoàn thuế VAT. Việc hoàn thuế trục trặc vì ngành thuế cho rằng một doanh nghiệp trong chuỗi của doanh nghiệp này chuyển trụ sở hay trụ sở không rõ ràng gì đó nên họ được đưa vào diện xét duyệt, phải xác minh thay vì hoàn trước kiểm sau như trước đây”, ông Tuấn nói và cho biết quá trình xác minh có thể mất rất nhiều tháng và không biết khi nào có thể xong.
Quy mô xuất khẩu của doanh nghiệp này mỗi tháng là 460 tỉ đồng, nhưng hiện hoạt động sản xuất phải đình trệ, vì càng xuất khẩu vốn càng bị đọng, lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng thông tin doanh nghiệp lo ngại một số dự thảo có nguy cơ làm tăng chi phí tài chính cho họ như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Khắc phục tình trạng “có tiền không tiêu được”
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, giảm lãi suất ngân hàng chỉ là một phần, quan trọng nữa là tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp. Theo đó, phải giải quyết những trì trệ hiện nay của bộ máy hành chính, tháo gỡ những vướng mắc của thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn.
Ông Lực cũng cho rằng cần khơi thông các kênh dẫn vốn khác, trong đó có nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp. Mặt khác, cũng không thể giảm lãi suất quá nhiều, vì hiện nay dòng vốn đã dịch chuyển dần từ tiết kiệm ngân hàng sang các kênh đầu tư tài chính như chứng khoán; do đó cần hài hòa các dòng vốn, bảo đảm vốn cho sản xuất, không tập trung vào kênh đầu tư tài chính.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, thì nhìn nhận vấn đề cần giải quyết hiện nay là khắc phục tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Thủ tướng đã chỉ đạo phải giải ngân 95% vốn đầu tư công trong tổng số 711.000 tỉ đồng của năm 2023.
Theo ông, từ nay đến cuối năm có thể giảm thêm lãi suất, nhưng nguyên tắc không được để đồng tiền dễ dãi. Các mục tiêu cần bảo đảm là lạm phát không quá 4,5% như Quốc hội đã yêu cầu; bảo đảm tỉ giá. Đặc biệt, cần kiểm soát dòng tiền, nhất là tiền vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.