Mỗi ngày TP HCM dùng gần 200 lọ thuốc Immunoglobulin (IVIG) cho trẻ mắc tay chân miệng nặng, phần lớn từ các tỉnh chuyển đến, dự kiến cuối tháng 7 hết thuốc trong khi cuối tháng 8 mới có đợt nhập.
Nội dung này vừa được đề cập trong văn bản Sở Y tế TP HCM báo cáo Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh tay chân miệng. IVIG là một trong những thuốc thiết yếu, điều trị hiệu quả bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng, giảm tỷ lệ chuyển độ cũng như biến chứng nặng. Thuốc chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, nguồn cung khan hiếm toàn cầu hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Theo Sở Y tế, nhiều bệnh viện các tỉnh phía Nam thiếu thuốc IVIG, khiến TP HCM phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh từ các tỉnh thành khác (khoảng 60-80%). Trong đó, nhiều ca chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch. Điều này khiến thành phố đang ở tình huống thứ hai trong ba kịch bản đã đề ra để ứng phó với dịch tay chân miệng năm nay. Tương ứng với tình huống hai, số ca tay chân miệng nhập viện mỗi ngày tăng 50-100, 200-700 điều trị nội trú và 20-70 chuyển nặng.
Tuy đã có chuẩn bị về cung ứng thuốc, nhưng số thuốc dự trữ của TP HCM dự kiến không đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, khi số ca nặng chuyển viện từ các tỉnh liên tục tăng. Đầu tháng 7, các bệnh viện dùng 80-150 lọ IVIG mỗi ngày, nay tăng lên gần 200 lọ và chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Chắc chắn có nguy cơ thiếu thuốc IVIG từ cuối tháng 7 trở đi nếu bệnh nhân nặng như hiện tại, hoặc hết thuốc sớm hơn nếu tình hình tiếp tục tăng nhanh”, công văn Sở Y tế nêu.
Trong bối cảnh chủng EV71 đang chiếm ưu thế, ngành y tế thành phố dự báo số ca mắc và ca nặng tiếp tục tăng, dẫn đến số nhập viện cũng tăng cao. Chủng virus này khiến người nhiễm bị bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn so với các tác nhân khác, từng gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Đặc điểm chung của dịch tay chân miệng do chủng này là thường kéo dài 4-5 tháng.
Ngành y tế đã họp bàn các chuyên gia, quyết định nếu trẻ mắc tay chân miệng nặng cần dùng hai liều theo phác đồ thì chỉ dùng một liều theo dõi và đánh giá tiếp, để dành thuốc cho những ca thật sự nặng hơn.
Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế phân công các bệnh viện tuyến cuối của một số tỉnh, thành phố có năng lực trong công tác thu dung, điều trị tay chân miệng như Sản Nhi Cà Mau, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai… tiếp nhận điều trị người bệnh của các tỉnh lân cận, đảm bảo ca nặng được điều trị sớm và công tác chuyển bệnh được an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ cần có chỉ đạo và giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng cho các tỉnh phía Nam, Cục Quản lý Dược ưu tiên phê duyệt các đơn hàng nhập khẩu thuốc IVIG.
Cuối tháng 6, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đề xuất cơ quan chức năng có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp dược nghiên cứu sản xuất thuốc IVIG thay vì phụ thuộc nhập khẩu, trong bối cảnh dịch tay chân miệng tiếp diễn lâu dài.
Lê Phương