Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng hộ chiếu toàn cầu 2023 nhưng ở mức thấp ngay cả trong khu vực, trong khi điểm đến miễn hoặc xin visa cửa khẩu, e-visa giữ nguyên.
Theo bảng xếp hạng do công ty tư vấn định cư Henley & Partners trụ sở tại Anh công bố ngày 19/7, hộ chiếu Việt Nam đứng 82 trên 103 bậc, tăng 10 bậc so với năm 2022 và 6 bậc so quý I năm nay. Số bậc tăng cao nhưng số lượng điểm đến miễn hoặc chỉ cần xin visa cửa khẩu, e-visa của người cầm hộ chiếu Việt không thay đổi so đầu năm, với 55 điểm đến. 2006 và 2007 là hai năm Việt Nam có xếp hạng hộ chiếu cao nhất, thứ 78 với 18 điểm đến chấp nhận.
Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết Việt Nam tăng hạng thứ tự hộ chiếu là “tín hiệu đáng mừng”. Tuy nhiên không riêng Việt Nam, 10 nước Đông Nam Á còn lại cũng đều tăng từ một đến năm bậc. Theo ông Chính, việc tăng hạng hộ chiếu “có thể do thế giới đánh giá cao về mức độ ổn định về kinh tế, chính trị, an ninh an toàn của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam” và “nhiều nước khác tụt hạng do bất ổn”.
So các quốc gia Đông Nam Á, ông Chính chỉ ra hộ chiếu Việt Nam “vẫn nằm top cuối trong khu vực”, cao hơn Lào (thứ 87), Myanmar (89) và bằng Campuchia. Việt Nam xếp sau Singapore (thứ nhất), Malaysia (11), Brunei (20), Đông Timor (55), Thái Lan (64), Indonesia (69), Philippines (74).
“Chúng ta cần phấn đấu để vượt Philippines hay Indonesia, sau đó là Thái Lan”, ông Chính nói.
Đại diện TAB nói thêm thứ tự xếp hạng hộ chiếu chỉ là “đánh giá của một tổ chức uy tín”, “không có nghĩa nhờ việc tăng hạng mà việc xin visa nhập cảnh với các nước dễ hơn”. Các nước trên thế giới không bắt buộc dựa vào đánh giá này để nới lỏng việc cấp visa cho công dân bất kỳ quốc gia nào.
Khách Việt muốn xin visa dễ dàng hơn thì “bản thân mỗi công dân đều phải có ý thức khi ra nước ngoài, các công ty du lịch cũng cần quản lý khách chặt chẽ để không xảy ra tình trạng trốn ở lại lao động bất hợp pháp, gây ấn tượng xấu với các quốc gia khác”, ông Chính nói.
Đại diện một công ty lữ hành tại Việt Nam cho biết việc hộ chiếu Việt Nam tăng hạng “là điều phấn khởi”. Du khách Việt sẽ thêm tự tin hơn khi đi du lịch quốc tế. Khách Việt ra nước ngoài càng đông thì danh tiếng Việt Nam càng được biết đến rộng hơn. Tuy nhiên, việc du lịch quốc tế của người Việt được người này đánh giá “không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước” vì tiền bị “chảy” ra nước ngoài.
“Nếu muốn nền kinh tế và du lịch đất nước phát triển, khách Việt nên tích cực du lịch nội địa”, người này nói.
Singapore trở thành nước có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, cho phép công dân nước này nhập cảnh miễn thị thực tới 192 điểm đến trên toàn cầu. Đức xếp vị trí thứ hai với 190 điểm đến. Quán quân Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ ba, với 189 điểm đến, ngang bằng Phần Lan, Pháp, Luxembourg, Hàn Quốc, Áo và Thụy Điển. Đứng cuối là Afghanistan, thứ 103 với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ chấp nhận miễn visa hoặc xin e-visa, visa cửa khẩu.
Henley & Partners xếp thứ bậc của 199 cuốn hộ chiếu cùng 227 điểm đến trên thế giới và cập nhật theo thời gian thực suốt năm, cũng như những thay đổi mới nhất về chính sách thị thực có hiệu lực.
Bảng xếp hạng của Henley & Partners lấy dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, cơ sở dữ liệu thông tin du lịch lớn nhất, chính xác nhất và được công bố hàng năm từ 2005. Mỗi năm, công ty sẽ công bố bảng xếp hạng hai lần vào đầu quý Ivà III. Phương pháp này khác với các chỉ số hộ chiếu khác, như chỉ số do công ty tư vấn tài chính Arton Capital công bố, đưa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất lên vị trí dẫn đầu vào năm ngoái.
Phương Anh